Để giải quyết những bất cập về quỹ bảo trì, kể từ cuối tháng 3, theo Nghị định 30 sửa đổi được Chính phủ ban hành quy định cho phép Ban quản trị chung cư, chính quyền và ngân hàng có thể cưỡng chế đòi lại quỹ bảo trì cho cư dân sớm hơn.
Theo quy định mới, trong vòng 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu từ Ban Quản trị chung cư, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ làm việc với ngân hàng mà chủ đầu tư đang gửi phí bảo trì. Phía ngân hàng sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin về số tài khoản, số tiền bảo trì, sau khi nhận được yêu cầu trong vòng 7 ngày. Sau 5 ngày nhận quyết định cưỡng chế, ngân hàng phải chuyển tiền sang tài khoản của Ban quản trị.
Trường hợp nếu chủ đầu tư không còn tiền bàn giao quỹ thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, kê biên tài sản bán đấu giá để bù vào. Tuy nhiên, các luật sư cho rằng không dễ để lấy lại tiền nếu chủ đầu tư cố ý chây ì.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico cho hay: "Từ lúc kê biên cho đến khi ra được kết quả kê biên để quyết định xử lý, thời hạn là bao nhiêu, trình tự thủ tục phối hợp thế nào Nghị định chưa nêu rõ".
Thống kê của Bộ Xây dựng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tranh chấp phí bảo trì chiếm 36% các vấn đề tranh chấp tại chung cư.
Trên thực tế, vấn đề tranh chấp phí bảo trì không chỉ dừng lại giữa cư dân và chủ đầu tư, mà còn liên quan giữa Ban quản trị cũ và mới. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số Ban quản trị cũ không sử dụng đúng mục đích kinh phí bảo trì, không có chứng từ chứng minh bảo trì cho lợi ích cư dân.
"Hiện nay cư dân lại phải thông qua pháp luật về dân sự, các tranh chấp dân dự với nhau thì phải chuyển qua toà án để xử lý, như vậy kéo dài thời gian để giải quyết vấn đề", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nói.
Phí bảo trì là khoản tiền 2% trị giá hợp đồng mà người mua phải nộp để đảm bảo vận hành và chất lượng công trình. Ảnh: Dân trí.
Trong khi đó, theo quy định mới việc thu hồi phí bảo trì chung cư phải do Ban quản trị yêu cầu chính quyền địa phương mới giải quyết. Do đó, một số đơn vị quản lý chung cư cho rằng cũng cần quy định cụ thể hơn là trường hợp nào Ban quản trị mới được kiến nghị cưỡng chế tài khoản.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định một người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản cũng dẫn đến nguy cơ sử dụng mục đích, trục lợi cá nhân… Chưa kể hiện cũng chưa có một bộ tiêu chí rõ ràng để xác định người đủ năng lực làm Ban quản trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!