Bước đi mới của Mỹ về thương mại

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 29/08/2018 11:01 GMT+7

VTV.vn-Trong khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chưa có hồi kết, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước láng giềng như Canada và Mexico dường như đang dần có lối ra.

Ngày 29/8, Mỹ và Mexico đã tuyên bố chính thức đạt được thỏa thuận song phương về những vấn đề mà NAFTA (gồm 3 nước) không thể thống nhất được.

Bước đi này trước tiên gây bất ngờ với nước còn lại là Canada bởi bấy lâu, chính Canada và Mexico còn phản đối rất mạnh những yêu cầu từ phía Mỹ nhưng có lẽ Mexico đã nhanh hơn một bước.

Theo tờ Wall Street Journal, thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico đã khiến Ngoại trưởng Canada phải cắt bớt hành trình châu Âu để bay thẳng về thủ đô của Mỹ và ngồi vào bàn đàm phán. Phía Canada bất ngờ nhưng tỏ ra hào hứng hơn khi Mỹ có vẻ đã xuống nước một phần với Mexico.

Trong khi đó, phía Mỹ tuyên bố, nếu tới thứ Sáu (31/8), Canada không thể dung hòa các bất đồng trước kia sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Bước đi mới của Mỹ về thương mại - Ảnh 1.

CNN thống kê ra một số điểm mới trong thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico so với NAFTA trước kia. Trong đó, cả 2 phía đều có chút nhượng bộ.

- Với ngành ô tô: Thỏa thuận yêu cầu 75% các bộ phận xe bán trên thị trường Bắc Mỹ phải được sản xuất ở Mỹ hoặc Mexico. Con số này trong NAFTA là 62%.

- Với lao động: Thỏa thuận yêu cầu nâng thu nhập của công nhân lên 16USD/giờ, trước mắt là đối với nhân công làm ra 40 - 45% giá trị bộ phận ô tô.

- Thỏa thuận sẽ kéo dài 16 năm, với điều kiện 6 năm được xét lại 1 lần. Trước kia, Mỹ yêu cầu là 5 năm.

Tờ New York Times đặt ra nghi vấn, chưa rõ liệu Mỹ và Mexico có thể vừa có thỏa thuận mà vẫn đặt chân trong NAFTA hay không, chưa kể thỏa thuận giữa 2 nước cần phải được trình Quốc hội Mỹ thông qua.

Trước mắt, ngay cả một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho biết họ mong muốn thỏa thuận mới phải có cả 3 nước. Bởi theo nghị sĩ John Kennedy từ bang Louisiana: "Nếu không làm được điều đó sẽ còn phải chờ kết quả từ quốc hội".

Tổng thống Donald Trump đã tỏ ra bất bình với những tuyên bố trên của các nghị sĩ bởi ông vẫn giữ quan điểm thỏa thuận cũ không tốt cho kinh tế Mỹ về mặt việc làm và thâm hụt thương mại.

Các nhà đầu tư họ đã thở phào nhẹ nhõm! Ít nhất thì một nút thắt căng thẳng thương mại đã có hướng ra. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm. Riêng chỉ số S&P500 xác lập kỷ lục mới khi cán mốc điểm 2.900. Đây là mốc cao nhất mà chỉ số này có được kể từ khi các căng thẳng thương mại nổ ra.

Mặc dù thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico còn đặt ra nhiều giả thuyết về kết quả cuối cùng nhưng các nhà đầu tư lạc quan đưa ra nhận định: "Nếu Mexico đã xong, Canada cũng sẽ sớm gật đầu. Nếu Canada gật đầu, châu Âu cũng sẽ có cách".

Đó là 3 trong số 4 đối tác lớn mà Mỹ có căng thẳng thương mại. 3 đối tác đầu tiên có mối liên hệ và phụ thuộc tương đối với nhau nên một bên đã tìm được cách, các bên còn lại cũng sẽ có hướng đi. Chỉ còn đối tác lớn nhất còn lại là Trung Quốc thì chưa thấy giải pháp nào.

Vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần chỉ là thương mại như các đối tác khác, chưa kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là lớn nhất.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với Mexico, ông Trump cho biết bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để ngồi xuống thỏa hiệp với Trung Quốc. Thời điểm nào mới phù hợp tuy chưa có câu trả lời chính xác nhưng chính phủ Mỹ đã bắt đầu phải tìm giải pháp khi căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài.

Một gói hỗ trợ trị giá 4,7 tỷ USD vừa được chính phủ Mỹ công bố ngày 28/8 nhằm bù lỗ cho nông dân đang bị thiệt hại do phía Trung Quốc và các nước khác tăng thuế lên nông sản từ Mỹ.

Tuy nhiên, cũng không phải ngẫu nhiên người nông dân lại nhận được sự ưu ái này từ chính phủ. Đây chính là các cử tri ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử 2016 và họ cũng sẽ có ảnh hưởng tới ghế của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Các bước đi này cho thấy, chính phủ của ông Trump và đảng Cộng hòa đang cần đạt 2 điều kiện cho cuộc bầu cử sắp tới. Đó là sự tiếp tục ủng hộ của cử tri nông thôn dù họ đang là nạn nhân của các chính sách thương mại mới thông qua gói hỗ trợ 4,7 tỷ USD và sự ủng hộ của các cử tri khác, những người cho rằng Trung Quốc đang lấy đi việc làm của họ thông qua việc thờ ơ với đàm phán và tăng sức ép lên hàng hóa Trung Quốc.

Đối đầu thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra những tác động 2 chiều Đối đầu thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra những tác động 2 chiều Không có đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Không có đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Canada tuyên bố sớm tham gia trở lại đàm phán NAFTA Canada tuyên bố sớm tham gia trở lại đàm phán NAFTA

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước