Đây là kết quả đáng chú ý bởi trước COP29, cơ chế thị trường carbon chỉ dừng ở cấp độ quốc gia hoặc khu vực, thiếu sự liên kết và đồng bộ. Như vậy một thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu sẽ khắc phục những hạn chế này, cho phép chuyển giao tín chỉ carbon giữa các quốc gia một cách minh bạch, hiệu quả.
Thỏa thuận đạt được xoay quanh cách đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính một cách đáng tin cậy. Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án như trồng cây hay xây dựng trang trại gió ở quốc gia đang phát triển, nghèo hơn, nơi nhận được 1 tín chỉ carbon cho mỗi tấn khí thải mà họ giảm phát thải vào khí quyển. Các quốc gia và công ty có thể mua những tín chỉ đó để đạt mục tiêu khí hậu của mình.
Ông Axel Michaelowa - Trưởng Nhóm nghiên cứu chính sách khí hậu quốc tế, Đại học Zurich, Thụy Sỹ cho biết: "Việc thị trường carbon quốc tế hoạt động kém, thực sự có thể gây bất lợi cho việc giảm phát thải. Nhưng giờ đây, các quy tắc đã được thiết lập và quyết định. Các quy tắc này sẽ cung cấp một cơ sở thực sự tốt, mạnh mẽ hơn, đáng tin cậy hơn".
Thỏa thuận mới cũng cho phép hệ thống giao dịch tập trung của Liên Hợp Quốc được triển khai sớm nhất vào năm tới. Thị trường này được kỳ vọng sẽ huy động được hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất từ trồng rừng cho đến phát triển năng lượng sạch.
Giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ước tính lên tới 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!