Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 đánh dấu một mốc rất quan trọng: Lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Hiện, Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị đàm phán và ký thỏa thuận khác cho cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Xã hội hóa thu hút các nguồn lực tham gia trồng rừng
Thống kê của Cục Lâm nghiệp (NN&PTNT), diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu hecta, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
Lần đầu tiên ngành lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Ảnh minh họa.
Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ NN&PTNT. Với lợi thế và tiềm năng to lớn, việc chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đã được WB đánh giá rất cao. Chính phủ chỉ đạo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, theo các nhà quản lý, hiện còn rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách có liên quan để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực này.
Các quy định về chuyển nhượng carbon rừng nằm trong khuôn khổ pháp lý chung về chuyển nhượng carbon, trong đó có những quy định về thị trường carbon (thị trường bắt buộc, thị trường tự nguyện, thị trường quốc tế); quy định về phát triển thị trường carbon trong nước… Tuy nhiên, để bán được tín chỉ carbon lại không phải là dễ bởi muốn bán phải đấu giá, có cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật, tham vấn ý kiến các bộ, ngành...
Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: "Hiện nay chúng ta chưa có một tổ chức đủ năng lực và được công nhận là bên thứ ba để xác nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn carbon do các tổ chức tổ chức quốc tế thiết lập. Những khó khăn này cũng đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới chúng ta phải hoàn thành".
Trong giai đoạn tới, theo định hướng của Bộ NN&PTNT, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị các giải pháp để xã hội hóa thu hút các nguồn lực tham gia trồng rừng bởi dư địa phát triển vẫn còn rất lớn. Đây chính là tiềm năng rất to lớn để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon.
"Mỏ vàng xanh" của vùng đất Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
Việc kinh doanh tín chỉ carbon được cho là sẽ đánh thức tiềm năng và giải quyết khó khăn cho ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên. Ảnh: Hải Hưng
Theo thống kê, tính đến 31/12/2023, diện tích rừng vùng Tây Nguyên là 2,59 triệu hecta, tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,34%. Tuy nhiên, tình trạng diện tích rừng đang có nguy cơ bị suy giảm do tình trạng phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng. Diện tích rừng khu vực Tây Nguyên chủ yếu được phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ.
Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, để khôi phục rừng Tây Nguyên cần giải bài toán kinh tế từ rừng, mà trong đó, việc kinh doanh tín chỉ carbon được cho là sẽ đánh thức tiềm năng và giải quyết khó khăn cho ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên.
Mới đây, 11 tỉnh của vùng đất Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã được đưa vào danh sách tham gia giảm phát thải khí nhà kính theo ý định thư về mua bán tín chỉ giảm phát thải từ rừng mà Việt Nam và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) đã ký vào tháng 10/2021. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2, với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 tương đương.
Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết: "Theo thỏa thuận vùng Bắc Trung Bộ thì Ngân hàng Thế giới cam kết cho phép Việt Nam giữ lại 95% lượng kết quả giảm phát thải để đóng góp NDC, còn dự kiến Liên minh giảm phát thải Leaf cho Việt Nam đóng góp 100% thỏa thuận vùng Bắc Trung Bộ. Người ta mua là các kết quả giảm phát thải trong trong quá khứ, thỏa thuận vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là giai đoạn tín chỉ từ năm 2021 – 2025, có nghĩa là giai đoạn hiện nay. Đây là những điểm khác biệt cơ bản giữa hai thỏa thuận".
Trong kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030, ngành nông nghiệp được giao giảm 130 triệu tấn CO2 tương đương. Vì vậy, lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất sẽ giảm tối thiểu 39 triệu tấn CO2 tương đương đến năm 2025 và 79 triệu tấn CO2 tương đương đến năm 2030. Để đạt mục tiêu này, việc chuẩn bị bước đàm phán tiếp theo cho một Thỏa thuận mới là rất quan trọng.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã thực hiện xong khâu lập và nộp hồ sơ, chờ thẩm định, dự kiến hoàn thành trước tháng 12. Phương án đàm phán cũng đang được hoàn thiện để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Tín chỉ carbon rừng là loại hàng hóa đặc biệt, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh lĩnh vực này, Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020 về cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đây là hình thức hợp đồng được ký kết theo thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhằm đa dạng hóa các hình thức hợp tác, góp phần mang lại hiệu quả cao, bền vững trong việc đẩy mạnh kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong xu thế phát triển hiện nay. Bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương, giảm khí metan, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với tài nguyên rừng sẵn có ở Tây Nguyên, việc xây dựng tín chỉ carbon chính là chìa khóa đánh thức "mỏ vàng xanh" đang ở trong trạng thái ngủ đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!