Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp. Mức lãi suất được FED giữ nguyên hiện nay là 5,25%-5,5%. Quyết định này không nằm ngoài dự đoán của thị trường, nhưng điều đáng chú ý hơn cả là kỳ vọng về việc FED sẽ thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, mặc dù các số liệu về giá cả nóng lên gần đây, không thể làm thay đổi xu hướng chung là lạm phát đang dần hạ nhiệt và do đó, việc hạ lãi suất dự báo sẽ diễn ra. Các quan chức dự kiến sẽ cắt giảm 0,25 điểm % mỗi đợt, qua đó đưa lãi suất về mức 4,6%.
"Chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách có thể đã đạt mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt hiện nay và nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như mong đợi, việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay có thể là thích hợp. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế là chưa chắc chắn và chúng tôi vẫn sẽ hết sức chú ý đến rủi ro lạm phát", ông Jerome Powell cho biết.
Chủ tịch FED Jerome Powell
Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất 11 lần kể từ năm 2022 để kiềm chế lạm phát. Và hiện chính sách này đang có sự thay đổi. Nối bước Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương cũng đang cân nhắc thực hiện các bước đi tương tự.
Cùng với FED, ngân hàng trung ương Anh BOE cũng đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc hôm nay. Trong khi đó, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm nay. Theo CNBC, ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã gây ngạc nhiên cho thị trường với quyết định hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm % xuống còn 1,5%. Động thái này được xem sẽ mở đường cho các hành động tương tự từ các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới.
Bước vào năm 2024, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới đều có chung kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ đảo chiều sau một thời gian dài theo đuổi chính sách thắt chặt. Tại Anh, chỉ số lạm phát tháng hai mới được công bố cho thấy, lạm phát đã hạ nhiệt nhanh hơn kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và Ngân hàng trung ương. Dữ liệu mới này rất quan trọng trong việc mở đường cho BOE hạ lãi suất trong thời gian tới.
"Các gia đình hôm nay sẽ thở phào nhẹ nhõm vì chúng tôi đang đi đúng hướng để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong hai năm rưỡi qua. Nhưng tín hiệu lạc quan nhất là lạm phát lương thực, ở mức gần 20% một năm trước, bây giờ chỉ còn 5%. Khi lạm phát tiến gần đến mục tiêu, điều đó mở ra cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Anh xem xét việc giảm lãi suất, đặc biệt giảm lãi suất thế chấp", ông Jeremy Hunt - Bộ trưởng Tài chính Anh nói.
Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2024 (Ảnh: Bloomberg)
Trong khi đó, ở Eurozone, lạm phát cơ sở đã hạ nhiệt từ 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 2,4% trong tháng 11 năm ngoái, rất gần với mục tiêu 2%. Tuy vậy, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn cảnh báo áp lực tiền lương và sự biến động của thị trường năng lượng có thể khiến lạm phát tăng trở lại.
Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng ECB cho biết: "Các quyết sách của ECB phải dựa vào các dữ liệu kinh tế, cũng như cập nhật theo từng cuộc họp. Điều này có nghĩa là, kể cả sau khi cắt giảm lãi suất được lần đầu thì chúng tôi cũng không thể cam kết chắc chắn rằng sẽ tiếp tục theo con đường cắt giảm lãi suất. Dù tôi biết rằng đây là điều mà nhiều người đang mong mỏi".
Nhưng nếu nhìn vào dữ liệu quan trọng nhất là lạm phát thì xu hướng hạ nhiệt của lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia kinh tế Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, đã đưa ra dự báo về lạm phát lõi ở Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi. Các chuyên gia dự báo rằng lạm phát có thể sẽ giảm xuống gần mức mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương trong năm tới. Việc cắt giảm lãi suất, giá năng lượng, thực phẩm giảm cùng chuỗi cung ứng trở lại trạng thái bình thường sẽ giúp nền kinh tế thế giới tránh được suy thoái.
Còn tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản đang bắt đầu nâng lãi suất, chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm, thì nền kinh tế lớn tiếp theo là Hàn Quốc đang giữ vững mức lãi suất 3,5% trong tháng thứ 8 liên tiếp. Các chuyên gia quan sát thị trường cho rằng, BOK tuy chưa phát đi tín hiệu sẽ có đợt cắt giảm lãi suất nào trong tương lai gần, nhưng cơ quan này đang chuẩn bị cho một thời điểm cân nhắc cắt giảm lãi suất có thể rơi vào quý 3 năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!