Cá ngừ đại dương được mùa nhưng mất giá

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 04/01/2024 11:56 GMT+7

VTV.vn - Giá thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân chỉ có thể nâng cao nếu giá bán sản phẩm cá ngừ khi xuất khẩu được nâng lên.

Áp lực giá cá ngừ đầu vụ khai thác

Những chuyến biển đầu tiên của mùa câu cá ngừ đại dương, thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm này đến giữa năm sau. Hiện vẫn là đầu mùa khai thác nên sản lượng thường khá cao, song giá cá lại chưa được như ngư dân mong đợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua thì không thể nâng giá hơn, nên đằng sau câu chuyện giá cá ngừ là nhiều áp lực đối với ngư dân lẫn doanh nghiệp.

Cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa, những ngày qua, mỗi ngày có 4 - 5 tàu câu cá ngừ đại dương cập bến sau chuyến biển trên dưới 20 ngày. Có tàu trúng luồng cá, mang về đến 90 con cá ngừ đại dương. Những tàu ít hơn thì cũng được 30 - 40 con. Nếu so với chuyến biển giữa năm thì lượng cá khai thác trong chuyến biển vừa qua là gấp đôi, gấp ba.

Theo tính toán của ngư dân, với lượng cá khai thác được, chủ tàu có lãi. Nhưng mức lãi vẫn chưa thể bù lại những chuyến biển đói hồi giữa năm đó là bởi giá thu mua cá ngừ đại dương hiện tại chỉ khoảng 110.000 đồng/kg, trong khi trước đây có lúc giá cá ngừ lên đến 150.000 đồng/kg.

Cá ngừ đại dương được mùa nhưng mất giá - Ảnh 1.

Cá ngừ đại dương được mùa nhưng mất giá. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp thu mua, mức giá mà họ đưa ra đã là một áp lực đối với chi phí nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu cá ngừ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, giá cá ngừ thu mua ở Việt Nam cao hơn giá cá ngừ nhập khẩu từ các nước khác.

Mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu đến 70.000 tấn cá ngừ từ các nước. Còn sản lượng khai thác của ngư dân, tính riêng loại cá ngừ đại dương là khoảng 17.000 tấn.

Ông Vũ Đình Giáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: "Sản lượng cá ngừ các nước như Philippines, Indonesia gấp 3 - 4 lần mình. Họ có thể đi 1 - 2 ngày là vào bờ, cá tươi hơn, nhiều hơn nên rõ ràng nên khi mình nhập của họ thì giá họ rẻ hơn mình".

Năm 2023, tình hình xuất khẩu cá ngừ gặp nhiều khó khăn, đến hết tháng 11 đạt 772 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá thu mua cá ngừ đại dương của ngư dân chỉ có thể nâng cao nếu giá bán sản phẩm cá ngừ khi xuất khẩu được nâng lên.

Ông Vũ Đình Giáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: "Năm 2024, khả năng chúng ta mới có nhãn hiệu sinh thái cá ngừ Việt Nam, khi đó cá ngừ Việt Nam mới có tên tuổi trên thị trường, còn hiện nay chưa mang nhãn hiệu cá ngừ Việt Nam nên không thể nói giá bền vững được".

Hướng đi đối với ngành cá ngừ Việt Nam, theo các chuyên gia vẫn là tập trung vào chất lượng bên cạnh ổn định sản lượng. Thực tế, trong 3 năm trở lại đây, chuỗi khai thác - chế biến - xuất khấu cá ngừ đã dịch chuyển theo hướng này.

Thách thức với thủy sản Việt Nam trong năm 2024

Sau 1 năm 2023 nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch, giảm 8% so với năm 2022. Tuy nhiên, năm 2024 được nhận định là thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm mới so với năm 2023, xuống là 9,5 tỷ USD. Với tổng sản lượng khoảng 9,2 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha.

Những khó khăn đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc với hải sản khai thác, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt ra trên tàu cá và cảng cá về đến nhà máy. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác; đối với thủy sản nuôi trồng, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm; còn nhiều rào cản khác như phúc lợi động vật và chứng chỉ carbon đảm bảo an toàn môi trường sản xuất, khi xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ…

Cá ngừ đại dương được mùa nhưng mất giá - Ảnh 2.

Năm 2024 được nhận định là thủy sản Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Ảnh minh họa.

Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Đã hơn 6 năm, Việt Nam vẫn chưa gỡ được "Thẻ vàng" với thủy sản khai thác của Ủy ban châu Âu (EC). Trong lần kiểm tra lần thứ 4 về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU hồi tháng 10, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả tổ chức thực hiện tại địa phương vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trong năm 2023 đã giảm so với năm 2022 nhưng chưa chấm dứt. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất mà EC khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục triệt để.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn ghi nhận tại Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Nhiều tàu đã bị xử phạt tới gần 1 tỷ đồng mỗi tàu.

Tuy nhiên, tỷ lệ xử phạt/số tàu vi phạm vẫn còn thấp. Trong khi tỷ lệ này theo khuyến nghị phải là 100%. Đây cũng là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này, để EC xem xét gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng 30 lần Xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng 30 lần

VTV.vn - Italy đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước