Các chuyên gia "hiến kế" thu hút khách du lịch quốc tế

Chu Linh-Thứ năm, ngày 30/03/2023 17:27 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, ngành du lịch mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế - con số khá khiêm tốn so với thời điểm trước dịch nhưng hiện nay mức khách du lịch quốc tế vẫn chưa đạt kì vọng

Năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch. Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi.

Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá, tỷ lệ quay lại Việt Nam của khách du lịch quốc tế khá thấp, khoảng 8 - 10%.

Các chuyên gia hiến kế thu hút khách du lịch quốc tế - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam

Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: "Thường Việt Nam là điểm đến chỉ "một lần trong đời" của phần lớn khách du lịch. Khách du lịch thường sang đây 1 lần và họ không quay lại nữa. Chúng ta không chỉ muốn mở rộng tệp khách du lịch, mà còn muốn họ ở lại lâu hơn. Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần biến khách du lịch, kể cả họ mới sang đây 1 lần, trở thành đại sứ du lịch của Việt Nam".

Mặc dù được đánh giá là thông thoáng, nhưng chính sách miễn thị thực của Việt Nam nếu so với các quốc gia trong khu vực, vẫn chưa thực sự cạnh tranh. Điều này khiến "dòng chảy" khách quốc tế đến nước ta sau dịch COVID-19 "nhỏ giọt".

Hiện tại, Bộ Công an đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó, đề xuất mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày; kéo dài thời gian tạm trú với người miễn thị thực đơn phương từ 15 lên 30 ngày…

"Chúng ta cần đơn giản hoá thủ tục, mở rộng visa điện tử cho nhiều quốc gia hơn. Bên cạnh đó, kéo dài thời gian của visa du lịch, đến 30 ngày, thậm chí tôi nghĩ có thể lên đến 90 ngày. Đó sẽ trở thành lợi thế của Việt Nam", theo Tiến sĩ Nuno F.Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam.

Các chuyên gia hiến kế thu hút khách du lịch quốc tế - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam

"Phải mở rộng diện được thị thực điện tử. Đầu tư công nghệ để ứng dụng thị thực điện tử nhanh nhất. Với diện miễn thị thực thì thời gian có thể kéo dài hơn để thu hút thêm khách du lịch quốc tế", ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định.

Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng cũng là khuyến nghị được các chuyên gia đề cập. Như với Thái Lan, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến đây đã vượt mục tiêu 10 triệu lượt mà ngành du lịch nước này đề ra.

Các chuyên gia hiến kế thu hút khách du lịch quốc tế - Ảnh 3.

Bà Nareenkarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội

"Chúng tôi cố gắng thiết kế nhiều loại tour du lịch để có thể phù hợp với sở thích của tất cả khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, cũng như kèm các chính sách ưu đãi, giảm giá. Ví dụ như với khách du lịch Việt Nam, chúng tôi thấy rằng phần lớn khách du lịch Việt Nam sang Thái đi cùng gia đình. Nên chúng tôi thiết kế một số chương trình ưu đãi giảm giá vào các dịp lễ hội, hay nghỉ hè của học sinh để khuyến khích khách du lịch tới Thái Lan", bà Nareenkarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, cho biết.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD cho công tác xúc tiến du lịch, chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước