Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các thị trường
Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 Công điện chỉ đạo xử lý hàng loạt vấn đề nóng về kinh tế như đảm bảo cung ứng tín dụng cho nền kinh tế; lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Tinh thần các Công điện là rất quyết liệt, kịp thời, có sự đồng bộ và bổ trợ cho nhau nhằm khẩn trương tháo gỡ những khó khăn của các thị trường, qua đó thúc đẩy tăng trưởng cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới đang xuất hiện ngày một nhiều những bất ổn phức tạp và khó lường.
Theo ước tính của các ngân hàng, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng khoảng 20 - 25% so với bình thường. Với quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, dư địa cho vay hiện còn ít nhất trên 240.000 tỷ đồng, hoàn toàn đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế và có dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng khoảng 20 - 25% so với bình thường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"So với toàn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, 240.000 tỷ không lớn, tuy nhiên vẫn kịp thời phục vụ cho nhu cầu cuối năm", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết.
Ngoài ra, khi đã có dư địa cho vay, các ngân hàng cũng sẽ tính toán dành một phần cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện trên tinh thần: đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng theo tinh thần Công điện của Thủ tướng.
"Chúng tôi sẽ xem xét để cung ứng vốn cho các chủ đầu tư, các dự án đang trong quá trình hoàn thiện, đặc biệt là đối với người mua nhà", ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho hay.
Với hàng loạt biện pháp trong Công điện về trái phiếu doanh nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư trái phiếu không chỉ được bảo vệ, mà còn tạo niềm tin cho kênh huy động vốn phục hồi trong thời gian tới.
Ngoài việc chấn chỉnh yếu kém lâu nay là công tác tư vấn phát hành chủ yếu tập trung vào yếu tố lãi suất cao để hấp dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản còn đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng với Bộ Tài chính về việc sớm sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho phù hợp thực tiễn.
"Ví dụ các doanh nghiệp bất động sản, hàng của họ đang còn nhưng không bán được do thanh khoản của thị trường, tín dụng đang bị siết lại, thì có thể chuyển hóa từ hàng hóa sang cho những trái chủ. Tuy nhiên cái này cũng phải có quy định", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói.
"Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp bây giờ là vốn, pháp lý, nguồn nhân lực, thì tôi cho rằng những Công điện này đã tập trung giải quyết vào 3 điểm nghẽn lớn của doanh nghiệp hiện nay, chính là về pháp lý, vốn và nguồn nhân lực", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nhận định.
Hiệu quả từ sự đồng bộ, liên thông giữa các Công điện
Sự đồng bộ, liên thông và bổ trợ lẫn nhau giữa các giải pháp trong 4 Công điện Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân kỳ vọng sẽ sớm khơi thông những khó khăn, vướng mắc cho hàng loạt thị trường chính trong những ngày còn lại của năm nay, đồng thời tạo ra xung lực mới để thúc đẩy kinh tế tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong năm sau.
Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính thời gian qua khiến một dự án nhà ở xã hội phải mất 5 năm mới đi vào sử dụng. Chính vì vậy, những chỉ đạo tháo gỡ của Thủ tướng trong Công điện về thị trường bất động sản đã giúp chủ đầu tư lạc quan về kế hoạch tiếp tục cung ứng thêm trên 1.000 căn nhà ở xã hội nữa trong thời gian tới.
"Đã nhận được sự biến chuyển của chính quyền địa phương sau khi có Công điện, khi đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp giải quyết những cái tồn tại về liên quan đến việc triển khai giải phóng mặt bằng, ở đây là việc tái định cư và triển khai các cái bước tiếp theo để ra được quyết định giao đất", ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Liên danh Handico - Vigracera, cho biết.
Khó khăn chung của các thị trường mà 4 Công điện đề cập đều nằm ở điểm nghẽn về pháp lý, về vốn, tính thanh khoản và tính minh bạch. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Bộ Xây dựng đã làm việc với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp để rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án bất động sản, lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất để hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ", ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho hay.
Khó khăn chung của các thị trường mà 4 Công điện đề cập đều nằm ở điểm nghẽn về pháp lý, về vốn, tính thanh khoản và tính minh bạch, trong đó để gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý cần sự đồng bộ, liên thông từ các bộ ngành tới các địa phương và doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của các bên.
"Thứ nhất là phải hoàn thiện lại khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai là phải cố gắng nâng cao tính minh bạch, chính xác của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt ở đây cũng cố gắng đảm bảo nghiên cứu để đưa ra những giải pháp, biện pháp để đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên có liên quan", PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, nhận định.
"Công điện ban hành rất kịp thời, hướng vào tháo gỡ những khó khăn, những nút thắt của thị trường bất động sản và đặc biệt là gỡ khó khăn cho thị trường vốn như thị trường trái phiếu, giúp cho các doanh nghiệp huy động đa dạng các nguồn vốn, không chỉ từ vốn ngân hàng, mà từ các nguồn vốn trái phiếu, các nguồn lực nhàn rỗi của người dân", PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đánh giá.
Hiện 3 tổ công tác của Chính phủ gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản, Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp… sẽ bám sát việc triển khai thực hiện của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo cho các lĩnh vực này phát triển một cách "minh bạch, thị trường và chuyên nghiệp" theo đúng yêu cẩu của Thủ tướng Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!