Đồng USD tăng giá đã trở thành một "rào cản" ngoài dự tính đối với các công ty của Mỹ
Vào đầu năm 2024, niềm tin rằng sức mạnh của đồng USD sẽ nhanh chóng hạ nhiệt đã lan rộng trên khắp các thị trường, khi hầu hết các nhà đầu tư đều chung nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị cắt giảm lãi suất. Nhưng cho đến hiện tại, các đợt cắt giảm lãi suất vẫn chưa xuất hiện và chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ khác trong rổ tiền tệ quốc tế, đã tăng 4% tính từ đầu năm nay và tăng khoảng 16% trong vòng ba năm qua.
Mặc dù, tỷ lệ tăng của chỉ số đồng USD phản ánh sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, nhưng việc đồng tiền này liên tục tăng lên đã trở thành vấn đề đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia cần chuyển lợi nhuận từ đồng nội tệ của nước ngoài sang đồng USD. Không những vậy, đồng USD mạnh làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh về giá của các nhà xuất khẩu.
Để ứng phó với sức mạnh của đồng USD, các công ty cũng phải dành nguồn lực cho các chiến lược phòng hộ, nhằm bù đắp rủi ro từ việc đồng USD tăng giá, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ.
Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu BofA Global Research, cứ mỗi mức tăng 10% giá trị của đồng USD so với cùng kỳ năm trước, thì thu nhập của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 (500 công ty đi đầu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ) sẽ giảm khoảng 3%.
Khoảng 80% các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, trong đó các tập đoàn lớn từ Apple Inc và IBM đến Procter & Gamble đều thừa nhận ngoại hối là một trở ngại lớn trong hoạt động kinh doanh trong quý này.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đều bị ảnh hưởng như nhau trước sự biến động của đồng USD. Dữ liệu từ FactSet cho thấy, các lĩnh vực công nghệ thông tin, vật liệu và dịch vụ truyền thông đứng đầu danh sách các công ty có mức doanh thu quốc tế cao nhất, có mức doanh thu từ nước ngoài chiếm lần lượt 57%, 52% và 48% tổng doanh thu.
Trong bản báo cáo kết quả kinh doanh quý mới nhất, tập đoàn Coca-Cola cho biết đã phải chịu một khoản tổn thất từ việc chuyển đổi ngoại tệ là 9%, nguyên nhân là do sự mất giá của các loại tiền tệ tại những thị trường bên ngoài nước Mỹ. Tương tự, tập đoàn 3M thông báo hoạt động ngoại hối gây tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp, với mức điều chỉnh lớn hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự kiến. "Gã khổng lồ" Apple cho biết phải chịu tác động tiêu cực từ hoạt động ngoại hối trong kết quả doanh thu hàng quý của mình.
Để ngăn chặn biến động tỷ giá hối đoái tạo ra những tác động lớn đối với thu nhập, các doanh nghiệp Mỹ đang tích cực sử dụng những chiến lược phòng ngừa rủi ro khác nhau, bao gồm cả những chiến lược sử dụng hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
Một số công ty tư vấn chuyên về vấn đề quản lý rủi ro ngoại hối ghi nhận sự gia tăng hoạt động phòng ngừa rủi ro trong những tuần gần đây, mặc dù thị trường tiền tệ đã trầm lắng hơn khiến việc phòng ngừa rủi ro trở thành vấn đề ít khẩn cấp hơn đối với một số công ty. Vào tháng Ba, chỉ số biến động tiền tệ của ngân hàng Deutsche Bank đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Ông John Doyle, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại tổ chức tài chính Monex USA cho biết: "Biến động tiền tệ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, dẫn đến thiếu cảm giác cấp bách. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động phòng ngừa rủi ro trong khoảng 1,5 tháng gần đây".
Các nhà phân tích tại BofA Global Research cho biết mặc dù họ tin rằng đồng USD cuối cùng sẽ sụt giảm trong trung hạn, nhưng "thời điểm bước ngoặt đã trở nên khó khăn hơn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!