Thậm chí, năm nay người tiêu dùng hoàn toàn có thể livestream để nhận quà.
Bỏ hàng chục tỷ đồng để tổ chức nhạc hội đón đầu sự kiện khuyến mãi 11/11, một doanh nghiệp thương mại điện tử muốn đổi lại vài phút để kích thích người xem săn mã giảm giá trên ứng dụng, đồng thời kích thích dùng ví điện tử mà doanh nghiệp vừa tích hợp được vào hệ sinh thái. Tiền khuyến mãi sẽ được đổ trực tiếp vào ví. Điều này không những giúp doanh nghiệp linh động hơn khi thực hiện các chương trình marketing khuyến mãi, mà còn kích thích người dùng quay trở lại mua sắm nhiều hơn.
Ngoài ra, các hình thức đánh vào nhu cầu giải trí của người dùng như phát sóng trực tiếp livestream hay trò chơi trực tuyến cũng là điểm mới về phương thức cạnh tranh trong dịp này cho thấy các dịp khuyến mãi như 11/11 giờ đã không còn quanh quẩn ở các hình thức giảm giá nhàm chán.
Tuy nhiên, theo giới doanh nghiệp, thách thức thực sự là vừa phải bắt kịp các xu hướng mới để cạnh tranh lại vừa phải cải thiện những yếu tố cơ bản nhất của thương mại điện tử như đa dạng nguồn hàng hóa và tốc độ giao hàng.
Ví như sau khi Tiki ghi dấu ấn trên thị trường với dịch vụ giao hàng trong 2 giờ, những đối thủ khác trên thị trường gần đây cũng tung ra các dịch vụ như Lazada giao hoa trong 4 giờ, Sendo giao hàng trong 3 giờ hay Shopee nhận hàng trong 4 giờ. Các dịp cao điểm như 11/11, là "bài kiểm tra" với những cam kết này.
Sự sôi động trong phương thức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp TMĐT diễn ra trong bối cảnh báo cáo về lượt truy cập website cũng như ứng dụng TMĐT tại Việt Nam liên tục chứng kiến sự đổi ngôi, biến động trong 1 năm trở lại đây.
Nghiên cứu từ tổ chức Iprice Insights nhận định, thị trường này không có ai là kẻ thắng người bại tuyệt đối. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đặc biệt khi các công ty đều đang thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới thì đương nhiên phải chứng tỏ được mình có năng lực trên mọi phương diện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!