Sáng qua (16/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Đây là nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức quan tâm và mong chờ.
Tuy nhiên, nội dung của dự thảo này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tức là có doanh thu không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 100 người. Nhiều ý kiến cho rằng, hỗ trợ này chưa đủ sức lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 16/6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, nếu các chính sách chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ thì chưa đủ sức vực dậy nền kinh tế bởi thực tế, nhiều DN lớn, vốn nộp nhiều tiền thuế cho ngân sách, cũng đang lao đao trước đại dịch.
Thực tế, nhiều DN mới khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 4, chưa kịp sinh lợi nhuận đã phải lo đóng thuế. Bởi vậy, một số đại biểu cho rằng, việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự.
Nhiều DN mới khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng 4. ((Ảnh: Dân trí))
Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, đó là Nghị định số 41 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong 5 tháng cho các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành 18 thông tư, quy định giảm các loại phí, lệ phí. Nhiều loại phí, lệ phí đã được giảm rất sâu, trong đó có lĩnh vực hàng không, trình Chính phủ sửa một số nghị định để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu, với một số ngành công nghiệp phụ trợ, da giày, dệt may.
Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính – cho biết: "Bộ Tài chính đang xây dựng và sẽ trình Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Các chính sách thuế này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương đặc biệt, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ...".
Doanh nghiệp kiến nghị có thêm hỗ trợ hậu COVID-19
Trước đó, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, đích đến của các gói hỗ trợ là để "cứu" cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thật sự. Không nên phân biệt quy mô của doanh nghiệp. Nếu quy định cứng nhắc, có thể dẫn đến doanh nghiệp cần thì không có còn DN không khó khăn lại vẫn nhận được hỗ trợ.
5 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản đối mặt với xuất khẩu âm, giảm hơn 10%. Tuy nhiên, các DN lại cho biết, khó có thể được hưởng chính sách miễn giảm thuế thu nhập bởi hầu hết các DN chế biến thủy sản có nhiều hơn 100 lao động.
Ngoài ra, nhiều DN cũng kiến nghị được kéo dài thời gian chậm nộp thuế, từ 5 tháng lên 12 tháng, giúp DN có nguồn tiền để khôi phục sản xuất.
Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tuy nhiên, khi nguồn lực ngân sách có hạn, khó có thể hỗ trợ cho toàn bộ các DN. Các chuyên gia cho rằng nên chọn những DN theo chuỗi, có tính lan tỏa cao để ưu tiên.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần có những DN trong nước đủ mạnh sống sót qua đại dịch bởi chỉ những DN này mới đủ sức chống đỡ lại làn sóng mua bán sáp nhập từ các nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn ngoại đang có xu hướng tìm đến thâu tóm những DN trong nước khó khăn vì dịch bệnh.
Theo kế hoạch, vào thứ 5 (19/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các nội dung của dự thảo Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập DN nhỏ và siêu nhỏ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, bên cạnh nội dung này, các kiến nghị của doanh nghiệp, chuyên gia sẽ vẫn tiếp tục được Chính phủ xem xét, để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!