Quy định tạo ra sự cào bằng, "cá mè một lứa"
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thể hiện sự thống nhất cao trong tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tuy nhiên, ông Tạo thể hiện sự không đồng tình về tiêu chí được giảm thuế thu nhập của DN trong dự thảo là doanh thu dưới 50 tỉ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người. Theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, quy định này vô hình chung tạo ra sự cào bằng, "cá mè một lứa".
"Nên cần phải đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn, phù hợp với từng đối tượng khó khăn", ông Tạo cho biết.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)
Cũng theo ông Tạo, để hạn chế tiêu cực, cần xác định mốc thời gian về dịch bệnh diễn ra, theo báo cáo kê khai tài chính doanh nghiệp; quy mô doanh nghiệp là nhỏ gặp khó khăn… thì mới đảm bảo tính công bằng.
Đáng chú ý theo ông Tạo, việc hỗ trợ giảm thuế nên áp dụng đối với đối tượng hẹp hơn là doanh nghiệp nhỏ. Đối tượng mà đại biểu đoàn Lâm Đồng cho rằng chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19.
Giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) và cũng là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng việc giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020 không giải quyết được vấn đề thực sự. Theo ông Thân, việc giảm thuế cho năm 2019 sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình)
"Năm 2020 này, doanh nghiệp còn giữ hoạt động được là tốt lắm rồi, lấy đâu ra có lãi. Như vậy, giảm thuế cho những doanh nghiệp vẫn có lãi năm 2020 thì doanh nghiệp rất khó tiếp nhận được cái cái ưu đãi này. Tôi đề nghị chuyển ưu đãi giảm thuế cho năm 2019 sẽ có ý nghĩa thực tế hơn cho cộng đồng doanh nghiệp", đại biểu Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Doanh nghiệp làm ăn có lãi là anh hùng
Cũng liên quan đến vấn đề lời lãi của doanh nghiêp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) có một quan điểm rất đáng chú ý khi cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính chất "động viên" nhiều hơn.
"Doanh nghiệp nhỏ có lãi năm nay là anh hùng, rất là tuyệt vời, không có khó khăn. Nên nếu giảm thuế thì động viên, biểu dương, thành tích thôi. Còn doanh nghiệp thực sự khó khăn thì họ cần là chính sách về tiền tệ và tài khóa", ông Ngân phát biểu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)
Cũng theo ông Ngân, khoản vay hiện nay doanh nghiệp khó tiếp cận vì hàng hóa tồn kho và chưa có thị trường, nên cần phải có thêm quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh vốn vay.
"Nghị quyết 42 hướng dẫn doanh nghiệp có thể vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, nhưng doanh nghiệp đều cho rằng khó tiếp cận", ông Ngân cho biết.
Giải trình các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đây là một trong những giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Với các đối tượng được nhận hỗ trợ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ cơ bản tiếp thu và báo cáo Chính phủ, song việc lựa chọn tiêu chí cần thuận lợi và tránh rủi ro trong thực hiện.
Thông tin về các giải pháp đang và sẽ làm, ông Dũng cho hay đã có chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm mức phí và lệ phí, giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập khẩu, giảm 50% thuế trước bạ ô tô trong nước, giảm phí bảo vệ môi trường về xăng nhiên liệu bay… Về triển khai thì phải đơn giản, cơ bản thuế là tự khai, tự nộp và nghị quyết này cũng với tinh thần đó, cần thiết thanh kiểm tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!