Các hãng công nghệ hướng tới tiêu chí thân thiện với môi trường

Việt Linh-Thứ ba, ngày 19/09/2023 07:36 GMT+7

VTV.vn - Chỉ riêng tại Mỹ, việc chuyển đổi theo hướng thân thiện với môi trường và giảm phát thải carbon có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 3.000 tỷ USD.

Apple thay đổi cổng sạc trên iPhone 15

Sự kiện ra mắt thế hệ điện thoại mới nhất iPhone 15 của Apple được xem là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất của giới công nghệ tuần qua. Một thông tin được quan tâm, đó là Apple đã chính thức bỏ cổng sạc Lightning riêng của hãng, để chuyển sang sử dụng cổng sạc tiêu chuẩn USB type C đã được nhiều đối thủ như Samsung hay Xiaomi sử dụng.

Đây không chỉ là một quyết định mang tính đơn lẻ của Apple mà nằm trong xu hướng thúc đẩy các tiêu chí thân thiện với môi trường, các hãng công nghệ như Táo khuyết đã bắt đầu từ vài năm gần đây, khi giới chức toàn cầu siết chặt hơn quy định về bảo vệ môi trường.

Các hãng công nghệ hướng tới tiêu chí thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Giới công nghệ chuyển đổi thiết bị thân thiện hơn với môi trường

Một động lực lớn cho việc Apple và giới công nghệ phải chuyển đổi thiết bị thân thiện hơn với môi trường, đó là những động thái siết chặt quy định tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đi đầu là Liên minh châu Âu EU.

Từ năm 2024, khối này sẽ chính thức áp dụng quy định buộc các nhà sản xuất thiết bị phải sử dụng 1 chuẩn cổng kết nối chung - USB type C cho tất cả thiết bị điện tử. Theo các quan chức, lợi ích từ quy định này là rất rõ ràng: giảm thiểu lượng rác thải điện tử khổng lồ từ dây và cục sạc cũ, cũng như tiết kiệm nguyên vật liệu.

Ông Thierry Breton, Ủy viên EC phụ trách thị trường nội khối, nói: "Chỉ với một quy định này, chúng ta sẽ giảm được tới 1.000 tấn rác thải điện tử tại châu Âu mỗi năm. Bên cạnh đó là khoảng 200 kg khí thải carbon - tương đương lượng phát thải của 10 triệu chiếc điện thoại, và hơn 2.000 tấn nguyên vật liệu thô".

Các hãng công nghệ hướng tới tiêu chí thân thiện với môi trường - Ảnh 2.

Dù vậy, quá trình chuyển đổi sẽ không quá nhanh chóng hay tiện lợi với người tiêu dùng. Để hỗ trợ, Apple cho biết họ sẽ cho phép người dùng giao lại dây sạc cũ tại các cửa hàng Apple Store để tái chế. Một thuận lợi khác là tại Mỹ và nhiều nước, ngành công nghiệp tái chế đồ điện tử cũng đang ngày càng nở rộ, cho phép tái sử dụng hoặc tái chế phần lớn bộ phận trong thiết bị điện tử cũ, và người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này thông qua trang web và ứng dụng điện thoại.

Apple không phải cái tên duy nhất gia nhập xu hướng "xanh hóa". Đối thủ hàng đầu của hãng trên thị trường điện thoại thông minh là Samsung cho biết hãng đã đạt mức tái chế tới 95% chất thải từ quá trình chế tạo. Hay các ông lớn công nghệ Mỹ là Microsoft và Dell thì cho biết vẫn đang đi đúng kế hoạch đạt trung hòa carbon vào năm 2030.

Đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm môi trường hay tuân thủ quy định mà cũng là bài toán kinh tế. Theo Deloitte, chỉ riêng tại Mỹ, việc chuyển đổi theo hướng thân thiện với môi trường và giảm phát thải carbon, có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 3.000 tỷ USD. Và do đó, theo đuổi xu hướng này cũng sẽ giúp các ông lớn công nghệ nắm bắt một nguồn lợi đáng kể trong dài hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước