Các hãng dược phẩm giữ độc quyền sản xuất vaccine COVID-19: Thất bại thảm họa về đạo đức?

Anh Phương (PV Đài THVN thường trú tại Trung Đông)-Thứ ba, ngày 20/04/2021 14:34 GMT+7

Thế giới đang trong một cuộc chạy đua với thời gian để tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Khi hơn 3 triệu người đã tử vong, các xã hội vẫn bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19, việc giữ quyền sản xuất vaccine của một số hãng dược phẩm đang khiến dư luận băn khoăn.

Thế giới đang trong một cuộc chạy đua với thời gian để tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, do lo ngại những biến chủng mới của virus có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên thực tế, việc sản xuất vaccine hiện vẫn chỉ nằm trong tay một số ít hãng dược phẩm. Trong khi nếu chuyển giao công nghệ để cả thế giới có thể cùng chung tay sản xuất vaccine, khi đó sản lượng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tăng lên đáng kể.

Những hãng dược phẩm như Pfizer - BioNtech, Mordena hay Johnson & Johnson đã bỏ nhiều tiền của để sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Họ đã gặt "quả ngọt" từ những khoản đầu tư của mình. Không có gì khó hiểu nếu giờ đây họ muốn kiếm được lợi nhuận từ những quả ngọt đó. Thế nhưng khi hơn 3 triệu người đã tử vong, các xã hội vẫn đang bị tàn phá bởi những làn sóng của đại dịch, việc giữ quyền sản xuất vaccine của một số hãng dược phẩm đang ngày càng khiến dư luận băn khoăn.

Thời báo Kinh tế Ấn Độ trích lại một cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng đó sẽ là một "thất bại thảm họa về đạo đức", nếu một số hãng dược phẩm vẫn quyết tâm giữ riêng cho minh các bí quyết công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Tờ báo này ví von, những hãng dược phẩm sáng chế thành công vaccine ngừa COVID-19 đã được cả thế giới ngợi ca như những anh hùng, nhưng đó hoàn toàn có thể là một câu chuyện lãng mạn sớm kết thúc, nếu chính họ là nguồn gốc cho tình trạng khan hiếm vaccine, đẩy thế giới phải đối mặt với những tình huống xấu hơn của đại dịch.

Các hãng dược phẩm giữ độc quyền sản xuất vaccine COVID-19: Thất bại thảm họa về đạo đức? - Ảnh 1.

Việc giữ quyền sản xuất vaccine của một số hãng dược phẩm đang ngày càng khiến dư luận băn khoăn. (Ảnh minh họa: Reuters)

Báo Asharq Al-Awsat chuyên các vấn đề Trung Đông cho biết, hiện 58 quốc gia thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới đang nỗ lực kêu gọi các hãng dược phẩm từ bỏ độc quyền của mình trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, đến nay những lời kêu gọi vẫn chưa đạt kết quả và các hãng dược phẩm dường như đang vận động một số nước lớn bác bỏ đề xuất này.

Thời gian qua, người ta nói nhiều tới việc các nước giàu thi nhau tích trữ vaccine ngừa COVID-19, có khi cả dân số tiêm đến 4 - 5 lần vẫn chưa hết. Trong khi các nước nghèo chỉ được cấp hay mua vaccine nhỏ giọt. Vậy nhưng, ngay cả đến việc gây sức ép để các hãng dược phẩm chấp nhận chuyển giao các bí quyết và dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19, người ta cũng đang thấy sự thiếu vắng tiếng nói của các cường quốc.

Theo trang mạng LeafLet của Ấn Độ, điều này bắt nguồn từ việc một số chính phủ nơi các hãng dược phẩm đặt đại bản doanh cũng đang muốn dùng vaccine ngừa COVID-19 như một công cụ cho chính sách mở rộng sức mạnh mềm, hay thực thi các chính sách ngoại giao vaccine.

WHO chưa thành công trong việc thuyết phục các hãng dược phẩm từ bỏ độc quyền sản xuất vaccine mà họ đã sáng chế ra, nhưng tổ chức này cũng thấy họ không thể chậm chân thêm nữa.

Theo đó, WHO dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm chuyên phục vụ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình. Trung tâm này nhằm mục tiêu chuyển giao miễn phí công nghệ, đào tạo đội ngũ hay tiêu chuẩn mẫu cho các hãng dược phẩm tại các nước đang phát triển, tiến tới khả năng có thể tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Vaccine COVID-19 được mafia coi là “vàng lỏng” của năm 2021 Vaccine COVID-19 được mafia coi là “vàng lỏng” của năm 2021

VTV.vn - Vaccine COVID-19 là một trong những mặt hàng có giá trị vào thời điểm hiện tại, vì vậy các băng nhóm tội phạm đang lợi dụng tình hình này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước