Ảnh minh hoạ - Ảnh: The Star.
Bank of America cho rằng, các Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á sẽ "không vội" thay đổi chính sách tiền tệ, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chuyển sang lập trường cứng rắn hơn.
Trước đây, mỗi lần FED tăng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đều phải chịu áp lực phải tăng lãi suất để ngăn ngừa nguy cơ thoái vốn. Tuy nhiên, theo Bank of America, khi FED nâng lãi suất trong năm nay, hầu hết các nền kinh tế mới nổi vẫn sẽ duy trì hướng đi chính sách tiền tệ hiện tại và chú ý nhiều hơn đến vấn đề phục hồi nhu cầu trong nước.
Lạm phát ở mức thấp, đà tăng trưởng kinh tế đang yếu đi và dự trữ ngoại hối tăng là những lý do cho phép các Ngân hàng Trung ương không phải tăng lãi suất, ít nhất là ở giai đoạn đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED.
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế đầu tiên trên toàn cầu tăng trưởng trở lại trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Sau đó, khi Chính phủ nước này rút lại các biện pháp kích cầu và chuyển sang thắt chặt chính sách, nhu cầu trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh. Gần đây, PBOC chuyển sáng nới lỏng, gồm hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Các tuyên bố chính sách tiền tệ gần đây đã "cho thấy mức độ kiên nhẫn cao" của các Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Malaysia, Indonesi và Philippines - theo chuyên gia kinh tế Tan Boon Heng của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) trong một báo cáo mới đây.
Ngân hàng Trung ương của Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều đang giữ vững lãi suất, mà ông Tan cho rằng nguyên nhân một phần do "tình trạng phục hồi tăng trưởng chậm chạp" tại các nền kinh tế này. Tuy nhiên, cũng có một số Ngân hàng Trung ương khác ở châu Á, như Hàn Quốc và Singapore, đã phải nâng lãi suất để chống lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!