Các ngân hàng sẵn sàng giãn, hoãn nợ

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 05/05/2023 06:06 GMT+7

VTV.vn - Dù chưa có đánh giá cụ thể về số lượng khách hàng cần được cơ cấu nợ, nhưng các ngân hàng dự báo nhu cầu là không nhỏ.

Ngân hàng sẵn sàng giãn, hoãn nợ

Sau khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… chính thức được ban hành, mới đây, các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng xây dựng quy trình nội bộ, rà soát nhu cầu giãn, hoãn nợ của các khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết: "Chúng tôi sẽ thực hiện đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc đánh giá tác động đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, đưa ra các chính sách hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ liên quan đến dãn, hoãn nợ. Chúng tôi còn thực hiện chính sách giảm lãi suất đối với khách hàng từ 1,5-2%, không chỉ khách hàng vay mới mà cả khách hàng có dư nợ hiện hữu".

Giới ngân hàng cho biết, việc xem xét, cơ cấu nợ xuất phát từ 2 phía: Bên cạnh việc các khách hàng chủ động đề xuất thì bản thân các kênh phân phối của ngân hàng cũng sẽ đánh giá về nguồn thu nhập, cũng như khả năng trả nợ liên tục, để có những hỗ trợ kịp thời.

Các ngân hàng sẵn sàng giãn, hoãn nợ - Ảnh 1.

Dù chưa có đánh giá cụ thể về số lượng khách hàng cần được cơ cấu nợ, nhưng các ngân hàng dự báo nhu cầu là không nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết: "Ngân hàng Nhà nước một mặt tạo ra cơ chế này để hỗ trợ người dân, mặt khác, để đảm bảo tính hoạt động ổn định lâu dài, Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu các ngân hàng phải có việc trích lập dự phòng, tương tự các khoản nợ xấu. Vì thế, khi thực hiện cơ cấu nợ, tôi tin các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều, sàng lọc các khách hàng rất kỹ. Ngân hàng vẫn phải song song thực hiện các biện pháp thu hồi nợ hoặc là hỗ trợ khách hàng với các biện pháp hỗ trợ thông thường, song song với cơ chế này của Ngân hàng Nhà nước".

Ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ngân hàng Quân đội MB, nói: "Về việc giãn hoãn nợ cho khách hàng theo Thông tư 02, chúng tôi sẽ lập kế hoạch dự phòng đầy đủ. Khi gia hạn 12 tháng, giữ nguyên nhóm nợ nhưng mà vẫn trích dự phòng đầy đủ. Đối với một ngân hàng thương mại, việc đánh giá một khách hàng có khả năng trả nợ hay không là nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, không mơ hồ".

Theo giới tài chính, việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ bản chất là đẩy vấn đề về tương lai. Dù có thể hỗ trợ người vay, nhưng phần chi phí vẫn đặt lên vai ngân hàng khi phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ sau đó, cũng như việc trích lập dự phòng.

Trước mắt, từ tuần tới, việc giãn, hoãn nợ sẽ được triển khai đồng loạt tại các ngân hàng. Các khoản vay phát sinh trước ngày 24/4 có hạn trả nợ gốc hoặc lãi từ ngày 24/4 năm nay đến 30/6 năm sau sẽ được giãn nợ tối đa là 12 tháng.

Như vậy, có thể hiểu, Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập phòng ngừa rủi ro theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. Theo quy định của TT02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% cho năm 2023, và đủ 100% cho năm 2024".

Ngân hàng được linh hoạt giảm áp lực trích lập dự phòng trước mắt với các khoản nợ xấu, còn doanh nghiệp có cơ hội không bị đưa vào nhóm nợ xấu, từ đó có điều kiện tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất.

Như vậy, chính sách này đã đánh trúng nhu cầu của cả 2 bên doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả chính sách mong muốn, thì quá trình thực thi tới đây sẽ đóng vai trò then chốt.

Các ngân hàng sẵn sàng giãn, hoãn nợ - Ảnh 2.

Kỳ vọng chính sách giãn, hoãn nợ tối ưu hiệu quả thực thi

Có ý kiến cho rằng, cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn nữa từ cơ quan quản lý. Cùng với đó, để nâng cao tính hiệu quả của chính sách này, không ít ý kiến còn cho rằng, đòi hỏi sự hướng dẫn cụ thể hơn nữa từ cơ quan quản lý cũng như sự đồng bộ các gói giải pháp, như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hay tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, nhận định: "Không phải chỉ có cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà ở đây còn là các chính sách miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, cũng là mong mỏi của doanh nghiệp".

Trong đợt cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã có gần 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỷ đồng. Vì thế, không ít kỳ vọng chính sách lần này sẽ còn phát huy được hiệu quả thực thi nhiều hơn thế.

Có thể thấy những chính sách của ngành ngân hàng cũng đã và đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, song song với thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó bao gồm cả tạo điều kiện cho hoạt động của chính các ngân hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước