Vàng là tài sản quan trọng và thường chiếm một tỷ trọng lớn trong kho dữ trự ngoại hối của các ngân hàng trung ương.
Các ngân hàng trung ương duy trì mua ròng vàng trong phần lớn thập kỷ qua, nhưng chuyển sang bán ròng trong quý III/2020 khi một số nước tận dụng giá vàng tăng mạnh để chốt lời. Giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục 2.084 USD/ounce vào tháng 8/2020.
Tỷ lệ sở hữu vàng của các quỹ ETF toàn cầu đã giảm 2% trong tháng 2. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Tuy nhiên, sau khi bán ròng vàng trong tháng 1 năm nay, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt đầu mua ròng trở lại dù chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng 8,8 tấn trong tháng 2.
"Chúng tôi tiếp tục chứng kiến sức mua vàng ở mức vừa phải và ổn định từ một nhóm nhỏ các ngân hàng trung ương. Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ mua ròng vàng trong năm 2021 nhưng nhu cầu trước mắt của họ vẫn đang cân bằng chặt chẽ", ông Krishan Gopaul, Giám đốc thông tin thị trường ở WGC, nhận định.
Thực tế cho thấy một số nước đang chuẩn bị mua vàng với khối lượng lớn. Ngân hàng quốc gia Hungary đã mua thêm 60 tấn vàng để tăng gấp 3 lượng vàng dự trữ. Đây là khối lượng vàng mua vào lớn nhất của một ngân hàng trung ương trong 2 năm qua. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Ba Lan mua gần 95 tấn vàng.
Giá vàng đã tăng lên mức kỷ lục 2.084 USD/ounce vào tháng 8/2020. (Ảnh minh họa: Financial Express)
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng trên toàn cầu về nợ của các chính phủ và các lo ngại lạm phát càng nâng cao tầm quan trọng của vàng trong chiến lược quốc gia với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn và là nơi bảo tồn giá trị.
Hiện khi các quỹ ETF vàng bị rút ròng, thị trường vàng lại càng trông chờ vào nhu cầu từ các ngân hàng trung ương. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tỷ lệ sở hữu vàng của các quỹ ETF toàn cầu đã giảm 2% trong tháng 2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!