Sự gián đoạn có thể thấy rõ ngay từ chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của ngành sản xuất Việt Nam mới được công bố. Từ con số 50,6 điểm tháng 1, đã giảm xuống ngưỡng 49 vào tháng 2. Sau đó, tháng 3 giảm xuống còn hơn 41 điểm.
Nếu trên 50 điểm đồng nghĩa với triển vọng tốt hơn, dưới 50 điểm là triển vọng kém hơn so với tháng trước đó. Còn nếu ở dưới mốc 42 thường xuyên có nghĩa là dấu hiệu của suy thoái kinh tế. Như vậy chỉ trong 2 tháng liên tiếp, ngành sản xuất đã chọc thủng 2 "cái đáy" vô cùng quan trọng.
Với ngành ô tô, liên tục chỉ trong khoảng 1 tuần trở lại đây, các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam đều đã phải tạm dừng sản xuất và lắp ráp. Đầu tiên là Ford, tiếp sau đó đến Toyota, Huyndai của TC Motor, Honda, lần lượt đưa ra thông báo. Nissan cũng sẽ dừng trong 2 ngày nữa.
Khó khăn của ngành ô tô là điển hình của ngành sản xuất chế tạo bởi nó cho thấy rất rõ cú sốc từ cả 2 đầu - sốc cầu và sốc cả cung.
Ngành sản xuất điện tử là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất năm 2019 với tổng giá trị 87,29 tỷ USD với các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, một khi các thị trường này đã bắt đầu đóng cửa, ngành điện tử của Việt Nam cũng khó có thể tránh khỏi bị gián đoạn.
Câu chuyện tương tự với ngành gỗ, khi bắt đầu tư tháng 4 này, 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chiếm tới hơn 90% thị phần xuất khẩu liên tiếp thông báo huỷ đặt hàng, hay giãn đơn hàng. Trên 5.000 doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ đang lao đao, hàng trăm nghìn lao động đã và sẽ mất việc.
Sự gián đoạn ở cả 2 đầu cung và cầu của doanh nghiệp sản xuất, không chỉ ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp, mà còn cả người lao động nữa. Ngành dệt may và da giày, túi xách là điển hình nhất trong thâm dụng lao động, khi dự báo tổng cộng hơn 3,2 triệu lao động bị ảnh hưởng, mất việc tạm thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!