Ráo riết cắt giảm chi phí
Các nhà sản xuất hóa dầu ở châu Âu và châu Á đang trong tình trạng tồn tại sau nhiều năm đẩy mạnh công suất ở thị trường hàng đầu Trung Quốc và chi phí năng lượng cao ở châu Âu đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp.
Trong bối cảnh đó, theo các nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành, các nhà sản xuất lớn ở châu Á và châu Âu đang phải thực hiện nhiều giải pháp như hợp nhất, bán tài sản, đóng cửa các nhà máy cũ. Đồng thời, trang bị thêm các cơ sở để sử dụng nguyên liệu thô rẻ hơn như ethane (thay vì naphtha) nhằm cắt giảm chi phí.
Được biết, ethylene và propylene được sản xuất từ các sản phẩm dầu mỏ, là nguyên liệu thô cơ bản để sản xuất nhựa, hóa chất công nghiệp và dược phẩm được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Theo đó, các nhà sản xuất hướng tới việc hợp nhất thêm công suất ethylene và propylene vì tình trạng dư cung dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều năm. Khi mà các nhà máy mới vẫn đi vào hoạt động ở Trung Đông và Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái.
theo ước tính của Công ty tư vấn Wood Mackenzie, khoảng 24% công suất hóa dầu toàn cầu có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn vào năm 2028 trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận yếu.
Còn Eren Cetinkaya, một đối tác tại McKinsey & Company cho biết thêm rằng, họ kỳ vọng quá trình hợp lý hóa ở châu Âu và châu Á sẽ tiếp tục diễn ra trong chu kỳ này. Đồng thời dự đoán đợt suy thoái hiện tại sẽ kéo dài hơn 5 - 7 năm thông thường do quá trình xây dựng công suất kéo dài, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Đặc biệt, các nhà sản xuất châu Á phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn nhất, khi mà tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn do một số công ty khó có thể hạn chế sản lượng tại các đơn vị và nhà máy mới được tích hợp với hoạt động rộng hơn.
Lợi nhuận châu Á giảm, trong khi châu Âu và Hoa Kỳ tăng
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết, lợi nhuận sản xuất propylene châu Á dự kiến sẽ giảm trong năm nay, mức lỗ dự kiến trung bình khoảng 20 USD/tấn.
Các nhà sản xuất Hoa Kỳ được bảo vệ khỏi khủng hoảng biên lợi nhuận nhờ nguồn cung nguyên liệu trong nước dồi dào
Ở châu Âu, tỷ suất lợi nhuận được dự báo sẽ tăng so với năm ngoái lên gần 300 USD/tấn vào năm nay, nhưng thấp hơn 30% so với năm 2022..
Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận propylene của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 25% lên khoảng 450 USD/tấn vào năm 2024. Các nhà sản xuất Hoa Kỳ được bảo vệ khỏi khủng hoảng biên lợi nhuận nhờ nguồn cung nguyên liệu trong nước dồi dào có nguồn gốc từ chất lỏng khí tự nhiên rẻ hơn, như ethane, nhà phân tích Kai Sen Chong của WoodMac cho biết.
Các nhà sản xuất châu Á đang chuyển đổi thị trường mới
Ở châu Á, Formosa Petrochemical của Đài Loan đã đóng cửa 2 trong số 3 nhà máy sản xuất naphtha của họ trong một năm, trong khi PRefChem của Malaysia, liên doanh giữa Petronas và Saudi Aramco đã đóng cửa cracker từ đầu năm 2024.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin trong ngành cho biết, các nhà sản xuất ở Hàn Quốc và Malaysia đang duy trì tốc độ vận hành cao, bất chấp thua lỗ do các nhà máy của họ được tích hợp với các nhà máy lọc dầu. Điều này khiến họ không thể đóng cửa hoặc bán các đơn vị hóa dầu thua lỗ mà không ảnh hưởng đến sản lượng của các sản phẩm khác.
Khi sản xuất và xuất khẩu từ Trung Đông, Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng lên, các công ty đang tìm kiếm các thị trường đang tăng trưởng như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để bán nguồn cung dư thừa của họ.
Navanit Narayan, Giám đốc điều hành của Haldia Petrochemicals của Ấn Độ chia sẻ với Reuters rằng, việc bổ sung công suất ít hơn và nhu cầu ngày càng tăng về polyme, hóa chất sẽ khiến Ấn Độ trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu.
Bên cạnh việc tìm kiếm các đầu ra mới, các nhà sản xuất hóa dầu Nhật Bản và Hàn Quốc đang khám phá các dự án thích hợp để tăng tỷ suất lợi nhuận bằng cách sản xuất nhựa có hàm lượng carbon thấp và có thể tái chế, có thể bán được giá cao hơn khi nhu cầu về các sản phẩm xanh hơn tăng lên./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!