Phân cấp mạnh trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

VTV Digital-Thứ ba, ngày 19/11/2024 11:00 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 thảo luận vào cuối tháng 11.

Để cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển, một dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được trình ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 này. Dự thảo này được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là có nhiều đột phá, giúp "cởi trói" cho doanh nghiệp có vốn nhà nước so với Luật 69 trước đây.

Một trong những đề xuất được đưa ra trong dự thảo là tăng phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp với nguyên tắc nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư, không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước linh hoạt, tăng tốc hơn trong các quyết định kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ được nâng cao.

Tại Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí, theo Luật 69 thì mỗi khi Tổng công ty có quyết định thay đổi nhân sự hay có dự án thì đều phải trình Tập đoàn dầu khí. Sau đó lại phải chờ Tập đoàn trình xin ý kiến của Ủy ban quản lý vốn. Qua 2 cấp phê duyệt trung bình sẽ mất khoảng 6 tháng. Nhưng từ khi Luật Dầu khí có hiệu lực vào giữa năm 2023, đã giúp rút ngắn thời gian phê duyệt dự án chỉ còn một nửa là 3 tháng do chỉ cần 1 cấp phê duyệt. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn sửa đổi Luật 69 lần này sẽ kế thừa sự đổi mới của Luật Dầu khí, tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho các tập đoàn, tổng công ty, để doanh nghiệp được chủ động hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

Ông Hoàng Xuân Dương - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) chia sẻ: "Với việc phê duyệt nhanh hơn, các khâu sau cũng sẽ thúc đẩy nhanh hơn từ phê duyệt thầu, phê duyệt các bước triển khai. Hiện nay, có những dự án mà chúng tôi đã rút ngắn được thời gian triển khai khoảng 1 năm, mang lại hiệu quả cho Nhà nước nhiều triệu USD trên 1 quy mô dự án".

Đại diện Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, dự thảo lần này đã "cởi trói" và phân cấp rất mạnh so với các luật chuyên ngành. Bởi cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% vốn điều lệ, thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công. Còn lại thì đều giao hết cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm quyết định đầu tư.

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: "Trong dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến còn không quy định các dự án của doanh nghiệp F2 phải trình chủ sở hữu. Mà các doanh nghiệp F2 thực hiện dự án thì chỉ đến doanh nghiệp F1 phê duyệt là hết cỡ, không cần trình Chính phủ và cũng không cần trình chủ sở hữu. Chỉ có các doanh nghiệp thuộc nhóm F1 và các dự án nhóm A trở lên mới phải trình chủ sở hữu".

Phân cấp mạnh trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 thảo luận vào cuối tháng 11. Ảnh minh họa.

Với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như vậy, các chuyên gia cho rằng nếu dự thảo luật được thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp có vốn nhà nước. Khi nhà nước chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng được thời cơ, cơ hội kinh doanh.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho rằng: "Thị trường tháng này khác, tháng sau khác, tuần này khác, tuần sau có thể khác, thậm chí ngày này khác, ngày sau khác, cho nên làm sao quyết định kinh doanh của doanh nghiệp phải nhanh. Chúng tôi mong rằng sửa Luật 69 lần này. Nhà nước giới hạn quyền sở hữu của mình như chủ sở hữu khác thì mới huy động vốn được của xã hội vào...".

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 841 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hàng năm đóng góp gần 30% tổng số thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước. Với nguồn lực to lớn như vậy, nếu được thêm cơ chế tự chủ, linh hoạt giống như doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ trở thành những thỏi nam châm "hút vốn" đầu tư trong và ngoài nước, xứng tầm là những "quả đấm thép" của nền kinh tế.

Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 thảo luận vào cuối tháng 11. Các doanh nghiệp Nhà nước đang kỳ vọng lần sửa đổi luật này sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo động lực mới để các doanh nghiệp có vốn nhà nước bứt phá.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước