Các nước giải cứu ngành hàng không thế giới

Anh Quang (Tổng hợp)-Thứ hai, ngày 15/06/2020 10:22 GMT+7

VTV.vn - Trợ cấp trực tiếp, miễn giảm thuế, bảo lãnh vay, cho vay ưu đãi... là các giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhằm “vực dậy” ngành hàng không dân dụng.

Theo Planestats, tính đến cuối năm 2019, thế giới có tổng cộng 24.000 máy bay hoạt động. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến cho khoảng 16.000 máy bay phải nằm đất.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, năm nay sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không". Ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thua lỗ kỷ lục khoảng100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021.

Đi lại bằng đường hàng không trên bình diện toàn thế giới trong trạng thái "bình thường mới" được đánh giá là sẽ không dễ dàng khi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về phòng dịch và giãn cách xã hội. Do vậy sa thải hay cho nhân viên tạm nghỉ hoặc có nguy cơ bị cho nghỉ là điều mà hầu hết các hãng hàng không lựa chọn thời điểm này.

Không thể chậm chễ, tính đến giữa tháng 5/2020, các quốc gia trên thế giới đã cấp các khoản viện trợ có tổng giá trị lên tới 123 tỷ USD nhằm giúp các hãng hàng không có thể "sống sót" sau đại dịch COVID-19.

Châu Âu

Số liệu cập nhật mới nhất trên trang eurocontrol.int/covid19, số chuyến bay ở châu Âu đã giảm tới 80% tính đến ngày 10/6 vừa qua.  Các sân bay châu Âu thất thu khoảng 29 tỷ Euro.

Các nước giải cứu ngành hàng không thế giới - Ảnh 1.

26.000 nhân viên Lufthansa (Đức) có nguy cơ mất việc

Hàng không là ngành chịu thiệt hại nhiều nhất từ đại dịch. Mặt khác, trong thời điểm dịch bệnh, các hãng hàng không đều được các chính phủ huy động hồi hương công dân và vận chuyển vật tư y tế. Các chuyến bay hầu như chỉ có khách đi một chiều, chiều ngược lại gần như rỗng không, bay lỗ vốn. Vì vậy, khi Chính phủ Pháp đề xuất cho các hãng hàng không được chậm thuế 2 năm, Ủy ban châu Âu đã đồng ý ngay lập tức.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ tài chính cho toàn bộ ngành vận tải, đặc biệt là các hãng hàng không. Với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên sẽ tìm giải pháp cứu các công ty lớn trong lĩnh vực vận tải khỏi bị phá sản" - Ông Oleg Butkovic - Đại diện Croatia, Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu cho biết.

Ủy ban châu Âu quyết định cho phép chính phủ các nước châu Âu rót tiền trợ cấp trực tiếp cho các hãng hàng không, cho chậm thuế hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh vay, cho vay ưu đãi và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn. Theo ước tính, trong năm nay, ngành vận tải hàng không châu Âu sẽ mất 44% doanh thu. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, chưa biết khi nào hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không và sân bay quốc tế mới trở lại bình thường.

Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ hôm 14/4 vừa qua cho biết 6 hãng hàng không lớn nhất nước này gồm American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines, Southwest Airlines, JetBlue, Alaska Airlines và một số doanh nghiệp khác đã đồng ý các điều khoản của gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD từ chính phủ, nhằm đối phó với những tác động của COVID-19.

"Chúng tôi mong muốn được làm việc cùng các hãng hàng không để hoàn tất thỏa thuận cần thiết và giải ngân nhanh nhất có thể", Bộ Tài chính Mỹ thông báo.

Các nước giải cứu ngành hàng không thế giới - Ảnh 2.

Các máy bay của Delta "đắp chiếu" vì COVID-19 tại sân bay ở Alabama, Mỹ

Theo các điều khoản các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đưa ra tuần trước, các hãng hàng không phải hoàn trả 30% trị giá gói cứu trợ này. Họ cũng không được cho nghỉ không lương hay giảm lương của bất kỳ nhân viên nào từ nay đến 30/9.

Dựa trên lương và phúc lợi quý II, quý III năm ngoái, American Airlines và United Airlines đủ điều kiện nhận mỗi hãng 6 tỷ USD, Delta khoảng 5,6 tỷ USD, JetBlue và Alaska khoảng 1,2 tỷ USD mỗi hãng.

Thái Lan

Tháng 5 vừa qua, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan được chính phủ cho phép tái cơ cấu để tránh nguy cơ phá sản vì món nợ trị giá 200 tỷ baht (khoảng 6,4 tỷ USD), trong số đó có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức.

Các nước giải cứu ngành hàng không thế giới - Ảnh 3.

Chính phủ Thái Lan cho phép Thai Airways tái cấu trúc công ty

Theo Bloomberg, Thai Airways International PCL thông báo chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn đề xuất tái cơ cấu dưới sự giám sát của Tòa án Phá sản Trung ương. Như vậy, hãng hàng không quốc gia Thái Lan sẽ tránh được nguy cơ phá sản. Bộ Tài chính nước này đã bán hết 3,17% cổ phần cho quỹ Vayupak 1, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của Thai Airways từ 51% xuống 48% và khiến hãng mất tư cách doanh nghiệp nhà nước.

Hong Kong (Trung Quốc)

Các nước giải cứu ngành hàng không thế giới - Ảnh 4.

Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong (Trung Quốc)

Mới đây, Cathay Pacific xác nhận chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) sẽ thực hiện kế hoạch tái cấp vốn trị giá 5 tỷ USD để giúp hãng vượt qua khủng hoảng do COVID-19. Các biện pháp được chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện bao gồm: phát hành cổ phần ưu đãi, cấp các khoản vay bắc cầu và bổ nhiệm 2 quan sát viên vào hội đồng quản trị của Cathay Pacific. Đây được coi là sự trợ giúp vô cùng cần thiết trong bối cảnh lượng hành khách của Cathay Pacific sụt giảm mạnh và hầu hết máy bay phải ngừng hoạt động do đại dịch.

Cathay Pacific cho biết hãng cũng có kế hoạch tiếp tục cắt giảm lương của các quản lý và triển khai sáng kiến tự nguyện nghỉ việc không lương lần thứ hai đối với nhân viên. Trước đại dịch, Cathay Pacific là một trong những hàng hàng không quốc tế lớn nhất của châu Á và lớn thứ năm về vận tải hàng hóa trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã khiến lượng hành khách giảm mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước