“Đô la gỗ” - loại tiền tệ bổ sung của thành phố Tenino, bang Washington, Mỹ trong năm 2020. (Ảnh: Bloomberg)
Tại Bảo tàng Tenino Depot, một cỗ máy cũ được sử dụng để in tiền gỗ, được chính quyền thành phố kỳ vọng sẽ giúp người dân vượt qua khó khăn kinh tế.
Sau khi ra mắt vào tháng 5 năm nay, loại "đô la gỗ" có hình dáng tựa như một chiếc thẻ ATM này đang được phát cho cư dân địa phương gặp khó khăn về tài chính.
Loại "tiền tệ bổ sung" này được định giá theo tỷ giá USD thực, và có thể dùng để chi tiêu ở mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa, cây xăng hay trung tâm chăm sóc trẻ em. Sau này, những ai sở hữu tấm thẻ này đều có thể đổi chúng lấy tiền USD.
"Chúng tôi mong muốn tấm thẻ này sẽ là biểu tượng cho niềm hy vọng," thị trưởng thành phố Tenino (bang Washington, Mỹ) Wayne Fournier cho biết. Kế hoạch của họ là trao cho những người gặp khó khăn về kinh tế do đại dịch khoản trợ cấp đến 300 đô la gỗ.
Đây không phải là lần đầu tiên loại tiền tệ này được phát hành. Vào những ngày đen tối nhất của Đại suy thoái thập niên 30, Tenino từng sử dụng chúng để duy trì các hoạt động thương mại khi ngân hàng duy nhất của thành phố đóng cửa.
Vài tháng gần đây, nhiều thành phố từ Arizona đến Montana và California cũng đã liên hệ với Tenino để được tư vấn về việc bắt đầu sử dụng tiền riêng. "Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo trong năm nay", Fournier nói: "Nhưng những thành phố như chúng tôi cần phải tìm ra cách thích hợp để duy trì mà không cần dựa vào thế giới".
Nhiều cửa hàng tại thành phố Tenino chấp nhận thanh toán bằng đô la gỗ. (Ảnh: Bloomberg)
Ý tưởng này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Papers in Poli Economic năm 2018, có 3.500 đến 4.500 hệ thống như vậy đã được ghi nhận ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Hầu hết, chúng là đơn vị tiền tệ địa phương, chỉ có thể được trao đổi giữa những người và doanh nghiệp trong một khu vực. Nhiều chương trình còn giới hạn thành viên cho những người đã đăng ký. Chúng thường hoạt động song song với đồng tiền chính thức của quốc gia chứ không có vai trò thay thế.
Loại tiền tệ này có nhiều hình thức khác nhau và rất ít nơi chọn tiền giấy. Nhiều loại "tiền tệ bổ sung" ngày nay hoàn toàn là kỹ thuật số hoặc được giao dịch qua thẻ thông minh, ra đời với nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau.
Mục đích chủ yếu của chúng khi được phát hành là nhằm bảo vệ các doanh nghiệp độc lập tại địa phương. Không những thế, chúng còn có thể thúc đẩy tầm nhìn bình đẳng và bền vững hơn về xã hội. Quan trọng hơn cả đó là nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi các hệ thống tài chính truyền thống ngừng hoạt động.
Đại dịch Covid-19 đã đem lại nhiều bất ổn về xã hội và kinh tế cho thế giới. Paolo Dini - một nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế London nhận định, việc thiếu tính thanh khoản chính là khó khăn mà thế giới đang gặp phải trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay. "Đó thường là vấn đề về dòng tiền. Vì thế, bất kỳ thiết bị hay công cụ nào giúp duy trì thanh khoản đều được hoan nghênh".
Mặc dù vẫn còn quá sớm để đo lường tác động kinh tế đầy đủ của Covid-19, GDP Mỹ giảm mạnh trong quý II khiến người ta ngày càng nghĩ nhiều về Đại suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể làm bốc hơi 9.000 tỷ USD GDP toàn cầu trong 2 năm tới. Đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Đối với những người ủng hộ tiền tệ địa phương, đây là cơ hội vàng để hồi sinh "tiền tệ bổ sung". "Kỷ nguyên của nền kinh tế thịnh vượng thông thường sắp kết thúc", Stephen DeMeulenaere – quản lý trưởng bộ phận công nghệ của Qoin Foundation (Hà Lan), một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ tiền tệ cộng đồng, cho biết.
Ông đánh giá hệ thống hiện tại gặp vấn đề về cấu trúc khi cung ứng tiền thông qua các chính sách như nới lỏng định lượng. "Chỉ in thêm tiền không có nghĩa là nó sẽ lưu thông. Nếu ai đó đang lên cơn đau tim, bạn có truyền máu hay hô hấp nhân tạo cho họ không?", ông nói.
Nhiều nước phát hành "tiền tệ bổ sung"
Tương tự với đô la gỗ của Tenino, WIR của Thụy Sĩ được đưa ra để đối phó với tình trạng khan hiếm tiền. Được phát hành từ năm 1934, đến nay, WIR hiện là đơn vị tiền tệ bổ sung lâu đời nhất thế giới. WIR cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp khác, với tỷ giá được neo vào franc Thụy Sĩ. WIR hiện có hơn 60.000 thành viên, trong đó có một phần năm tổng số doanh nghiệp Thụy Sĩ. "WIR có một mạng lưới mạnh mẽ. Đây là điều quan trọng hơn bao giờ hết", Volker Strohm - người phát ngôn WIR cho biết.
Trong tháng 5, cư dân Maricá đã tiêu 30 triệu Reais tiền Mumbuca. Diniz cho biết chìa khóa thành công của Mumbuca chính là nhờ có sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền địa phương. (Ảnh: Getty)
Các chương trình này thường xuất hiện khi nền kinh tế suy yếu, như Argentina đầu những năm 2000 hoặc Hy Lạp vào thập kỷ trước. Những người ủng hộ các loại tiền bổ sung nói rằng, khi kết hợp với tài trợ của chính phủ, chúng có thể là cách hiệu quả để duy trì dòng chảy tiền tệ trong cộng đồng.
Thành phố Maricá, Rio de Janeiro (Brazil) kết hợp tiền địa phương với chương trình thu nhập cơ bản phổ thông. Khoảng 80.000 cư dân - gần một nửa dân số, nhận được 130 Reais (35 USD) - đơn vị tiền tệ địa phương của thành phố. Loại tiền này không được chấp nhận ở các nơi khác của Brazil.
"Việc này có thể trở thành mô hình về cách một thành phố có thể giải ngân hiệu quả các khoản trợ cấp xã hội trong thời kỳ đại dịch, hỗ trợ các gia đình nghèo khi họ ở nhà và cả hộ kinh doanh nhỏ trong thời kỳ khủng hoảng", Eduardo Diniz - Giáo sư ngân hàng và công nghệ tại Trường Quản trị Kinh doanh São Paulo nhận xét.
Tại Canada, giá trị của việc duy trì dòng tiền chảy tại địa phương nhờ "tiền tệ bổ sung" cũng được đánh giá cao. Theo một nghiên cứu, các hãng bán lẻ độc lập xoay vòng tiền nhiều hơn 2,6 lần so với các chuỗi bán lẻ. Bên cạnh đó, ngoài việc khuyến khích mọi người mua sắm tại địa phương, các loại tiền bổ sung còn có thể khuyến khích hành vi tích cực hoặc làm từ thiện.
Lấy cảm hứng từ công nghệ khối chuỗi (blockchain), thành phố Hull ở phía bắc nước Anh đã tạo ra tiền tệ địa phương kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, cung cấp chiết khấu lên đến 50% hàng hóa và dịch vụ cho những người làm việc tình nguyện tại các tổ chức địa phương. Một dự án tương tự của Hà Lan, có tên Samen Doen cũng thưởng cho những người thực hiện các hoạt động xã hội như chăm sóc người già.
Cư dân Bristol (Anh) có thể sử dụng nó để thanh toán xe bus, cà phê hoặc thậm chí là thuế. (Ảnh: Bloomberg)
Bristol Pound, phát hành lần đầu tiên vào năm 2012, được đánh giá là một trong những loại "tiền tệ bổ sung" có ảnh hưởng nhất.
Dù số Bristol Pound được chi từ năm 2012 đã lên tới 5 tỷ bảng Anh, tác động kinh tế của nó vẫn còn gây tranh cãi. Một nghiên cứu năm 2017 kết luận nó không thúc đẩy địa phương hóa, vì đồng bảng Anh quá sẵn và dễ tiếp cận, khiến nhiều người không mặn mà với Bristol Pound.
Việc tiền mặt giảm dần khi thương mại điện tử và thanh toán điện tử phát triển cũng là một yếu tố khác làm giảm nhu cầu "tiền tệ bổ sung". Diana Finch, Giám đốc điều hành của Bristol Pound nói rằng, ngay cả trước khi COVID-19 tấn công, việc lưu thông tiền giấy trong khu vực đã giảm khoảng 60%.
Bà Diana Finch xem "tiền tệ bổ sung" là công cụ có thể làm cho các thành phố trở nên linh hoạt hơn khi đối mặt với xung đột kinh tế, cũng như cải thiện bình đẳng xã hội. "Loại tiền này không nhằm giúp các doanh nghiệp địa phương đang gặp vấn đề về thanh khoản kinh doanh. Nó nghiêng về việc nỗ lực thay đổi bản chất của nền văn hóa và tạo ra các cộng đồng bền vững hơn", bà nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!