Theo Bloomberg, trong những tuần qua, các nhà sáng lập của ít nhất 7 công ty bất động sản đã chi ra khoảng 3,8 tỷ USD, để giúp công ty của mình thanh toán các khoản nợ đến hạn. Phần lớn số tiền này đến từ việc bán cổ phần hoặc thế chấp các tài sản có giá trị. Trong đó, tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập Evergrande đã bỏ ra khoảng 1 tỷ USD.
Những nỗ lực trên cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường bất động sản Trung Quốc, khi các công ty không thể kiếm tiền từ việc bán căn hộ hay bán bớt tài sản và buộc phải trông chờ vào túi tiền của nhà sáng lập.
Việc các tỷ phú bất động sản Trung Quốc phải dùng tiền cá nhân để cứu công ty trái ngược với những gì thường diễn ra ở các nước phương Tây - nơi quy định về trách nhiệm hữu hạn thường giúp bảo vệ tài sản cá nhân của người kiểm soát doanh nghiệp khỏi các chủ nợ. Ở Trung Quốc, ranh giới này không mấy rõ ràng - Bloomberg cho hay.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập Evergrande. (Ảnh: Reuters)
Giá trái phiếu USD với lãi suất cuống phiếu 8,25% đáo hạn vào năm 2022 của China Evergrande Group đã tăng lên mức 30 cent/1 USD mệnh giá, từ mức thấp kỷ lục 22,7 cent cách đây một tháng. Giá trái phiếu này hồi phục sau khi Chủ tịch Evergrande, tỷ phú Hứa Gia Ấn bán bớt tài sản cá nhân và cầm cố cổ phiếu để vay tiền hỗ trợ công ty.
Hiện chưa rõ số tiền mà ông Hứa bỏ ra cho Evergrande sẽ được sử dụng như thế nào, nhưng Evergrande đã ba lần thoát khỏi bờ vực vỡ nợ bằng cách thanh toán được lãi suất trái phiếu vào phút chót.
Trái phiếu của loạt công ty bất động sản lớn khác của Trung Quốc, gồm Sunac China Holdings, Guangzhou R&F Properties, Shimao Group Holdings, và CIFI Holdings Group cũng đồng loạt tăng sau khi có tin về hỗ trợ tài chính mà nhà sáng lập dành cho công ty.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!