Ngày 5/1, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, mục tiêu của Nghị quyết nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh để thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động do các yếu tố chủ quan; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Cùng đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 đối với 8 bộ chỉ số; trong đó, có 5 bộ chỉ số tiếp nối các Nghị quyết các năm trước là năng lực cạnh tranh 4.0, đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử, hiệu quả logistics, năng lực cạnh tranh du lịch và 3 bộ chỉ số mới là phát triển bền vững, quyền tài sản, an toàn an ninh mạng. Đồng thời, xác định một số mục tiêu cụ thể cho năm 2022 gắn với các chỉ số thành phần của năng lực cạnh tranh 4.0, đổi mới sáng tạo, quyền tài sản và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ sẽ tăng cường trách nhiệm của các Bộ đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các Bộ chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; trong đó, nêu rõ trách nhiệm cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời, hợp tác và kết nối với các tổ chức quốc tế để cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng và thu hút nguồn lực cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh; điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế….
Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký tài sản và đổi mới quản lý hành chính đất đai.
Giải pháp được Chính phủ triển khai là tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, nhất là các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân trong xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng sẽ tăng cường cải cách, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thong; sơ kết mô hình trung tâm phục vụ, hành chính công các cấp để có giải pháp phát triển phù hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững; tăng cường thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ số giúp người dân làm giàu, kinh doanh bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, nhất là giai đoạn hiện nay; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết này và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ, ngành và địa phương.
Ngoài việc thường xuyên tổ chức truyền thông về chủ trương chính sách và kế hoạch thực thi tới các đối tượng chịu tác động, cần đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!