Cần cơ chế hữu hiệu trong đấu thầu dự án

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 18/08/2022 20:38 GMT+7

VTV.vn - Hiện tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công còn rất thấp. Nguyên nhân chính là do thủ tục đấu thầu kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án.

Chấp nhận tăng bội chi 240.000 tỷ đồng trong năm nay và năm sau để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra.

Trong khi đó, việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đang bị chậm lại, thậm chí ngưng trệ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về đấu thầu. Chính phủ đã liên tiếp có nhiều cuộc họp để tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Một trong những giải pháp khả thi nhất đang được tính tới là thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu trong năm nay và năm sau với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Cần cơ chế hữu hiệu trong đấu thầu dự án - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đề ra. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tuy được dành tới 14.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện.

Các bệnh viện đã liên tiếp có nhiều văn bản gửi các bộ ngành kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện vì thủ tục đấu thầu quá phức tạp.

"Khủng hoảng dầu lửa và các yếu tố khác đã ảnh hưởng đế giá cả khiến trang thiết bị có nhiều thứ thay đổi. Trong quy định của chúng ta lại chưa đáp ứng được các điều kiện cụ thể", ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết.

"Chúng tôi vẫn phải chờ các văn bản pháp quy mà các bệnh viện đã đề xuất Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để có các hướng dẫn, thậm chí có những sửa đổi trong văn bản pháp quy cho cập nhật", ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay.

Giải ngân đầu tư công cũng đang rất chậm, với tỷ lệ giải ngân 7 tháng mới đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính vẫn là thủ tục đấu thầu kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án. Chỉ định thầu đang được xem là phương án khả thi để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

"Thế nào là chỉ định thầu thì không có cơ chế cụ thể nên có những cái phải vận dụng đến quyền hạn của Thủ tướng. Như vậy, việc giải quyết các gói thầu một cách linh hoạt nó khó. Do đó việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế chỉ định thầu là rất phù hợp", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá.

"Thực hiện chỉ định thầu sẽ rút ngắn được thời gian và triển khai được ngay các dự án như đầu tư giao thông, mua sắm thiết bị y tế. Như vậy, không chỉ giải quyết được mục tiêu giải ngân gói hỗ trợ phục hồi trong năm 2022 - 2023, mà còn khiến các công trình đầu tư hạ tầng sớm hoàn thành và đấy là yếu tốc tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2022. Điều đó có nghĩa gói tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước 176.000 tỷ đồng sẽ dồn vào năm sau khiến áp lực giải ngân càng lớn nếu không tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong đấu thầu các dự án.

Gỡ vướng chỉ định thầu thông thường

Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chỉ định thầu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo quy trình chỉ định thầu thông thường.

Trong 6 dự án hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện dự kiến nhận vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có tới 5 dự án cao tốc, đề nghị được phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, nhưng thẩm quyền quyết định chỉ định thầu và các quy định cứng về tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu là điểm còn nhiều khúc mắc. Điều này đã được gỡ vướng trong hướng dẫn vừa ra của bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc người có thẩm quyền tại địa phương như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, hoặc người có thẩm quyền theo phân cấp của dự án sẽ là cấp xem xét chỉ định thầu. Thứ hai là làm thế nào để xác định được tiêu chí, năng lực kinh nghiệm. Trong trường hợp những yêu cầu về tiêu chí, năng lực kinh nghiệm cần phải sửa đổi so với mẫu thì được phép chỉnh sửa", bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Đồng thời, quy trình 5 bước cần được đưa ra để thực hiện chỉ định thầu thông thường: chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả chỉ định thầu; hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Hướng dẫn này sẽ giúp các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cầu Đại Ngãi thực hiện chỉ định thầu nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, trường hợp có vướng mắc, vượt thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Đề xuất giao đất qua đấu thầu, đấu giá Đề xuất giao đất qua đấu thầu, đấu giá

VTV.vn - Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là đẩy mạnh giao đất thông qua đấu giá, đấu thầu theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước