Theo một nghiên cứu, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 2,269 triệu USD, nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất. Người tiêu dùng cũng khá quen với việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shoppe, Sendo... Tuy nhiên, pháp luật hiện vẫn chưa có quy định riêng về hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại điện tử mà vẫn chỉ quản lý như hàng hóa thông thường. Điều này đã gây cho các cơ quan Nhà nước không ít khó khăn.
Hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử hiện nay được vận chuyển qua nhiều phương thức khác nhau như: Chuyển phát nhanh, thông qua các hãng vận chuyển, hay thông qua đường xách tay... do vậy rất dễ bị lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sỡ hữu trí tuệ, hàng trốn thuế.
Hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường có hóa đơn chứng tờ kèm theo nên dễ xác định giá trị để thu thuế. Còn hàng hóa xuất nhập khẩu theo hình thức thương mại điện tử rất khó xác định giá trị thực để thu thuế.
Nhiều đơn hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử nhỏ lẻ nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc miễn kiểm tra chuyên ngành, nên rất khó được thông quan hoặc mất nhiều thời gian mới được thông quan. Điều này dẫn đến tình trạng có không ít hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện qua thương mại điện tử bị bỏ lại ở kho hải quan. Đây cũng là điểm hạn chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo "đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ trong thời gian tới. Nội dung của đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử nhưng cũng có đầy đủ công cụ để các cơ quan chức năng quản lý tốt loại hình này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!