Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn tránh Phủ Lý đã đưa vào sử dụng được 9 tháng. Gần 3 năm trước, cùng với việc khởi công xây dựng, chủ đầu tư đã bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển nhượng dự án. Đại diện Công ty CP đường cao tốc miền Trung Nhật Bản tại Việt Nam - đơn vị mua 20% cổ phần của dự án này cho biết, sau hơn 2 năm thẩm định, giờ dự án đi vào sử dụng họ quyết định rót tiền vào đây.
Việc chuyển nhượng dự án đã hoàn thành sẽ có vốn để làm các dự án giao thông mới. Nhưng quan trọng hơn là phát huy được thế mạnh về xây dựng của chính mình và học được cách quản trị dự án sau khi đi vào sử dụng từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng thực tế có những dự án giao thông có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thẩm định, các tiêu chí rất phù hợp, thậm chí họ đã làm hợp đồng đặt cọc nhưng nhiều năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một ví dụ.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thế giới đã áp dụng việc chuyển nhượng dự án giao thông từ rất lâu. Còn ở Việt Nam hiện nay mới bắt đầu, vì thế cần phải hoàn thiện dần các cơ chế để tạo cho việc chuyển nhượng dự án một cách chuyên nghiệp.
Trong thời gian qua, có khoảng 10 dự án giao thông đã được các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, thậm chí đặt cọc để mua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ duy nhất có 1 dự án thành công. Các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế hợp lý cho việc chuyển nhượng dự án. Bởi đây sẽ là cơ hội để thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp và ngân hàng trong nước siết chặt vốn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!