Cần đưa việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển KT-XH

Tài Phan-Thứ ba, ngày 03/11/2020 06:24 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thiết phải đưa nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 2/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc gắn yếu tố phòng chống dịch bệnh, thiên tai trong các mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Theo dự báo của IMF, năm nay do tác động của COVID-19, tăng trưởng GDP toàn cầu giảm tới 8 điểm%, tức từ dự báo dương 5% còn âm 3%. Còn với Việt Nam, chỉ giảm một nửa so với con số đó, dự báo cả năm nay chỉ còn đạt 2 - 3%.

Đây là nỗ lực vô cùng đáng khích lệ và dù không đạt mục tiêu 6,8% nhưng kết quả này đều được các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi nhìn nhận vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế các năm tiếp theo, một quan điểm chung được đưa ra đó là yếu tố dịch bệnh vẫn tác động trong ít nhất vài năm tới. Các dự báo và mục tiêu đặt ra cũng cần thận trọng hơn.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai vào kế hoạch chiến lược nhiệm kỳ tới 

Cần đưa việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển KT-XH - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai vào kế hoạch chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Ảnh - Dân trí.

GDP 3 quý đầu năm cho thấy dấu hiệu phục hồi theo mô hình chữ V và theo dự báo của Chính phủ, GDP năm tới sẽ tăng trưởng tới 6%. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần có kịch bản thận trọng hơn.

Dự kiến năm nay tỷ lệ bội chi ngân sách lên tới 5% GDP; hụt thu tới 200 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ứng phó với dịch bệnh, thiên tai cần tiếp tục là ưu tiên cấp bách.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai vào kế hoạch chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới, bao gồm cả kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, tất cả vấn đề liên quan tới kịch bản, chỉ tiêu tăng trưởng, kế hoạch thu chi ngân sách cần được rà soát toàn bộ để đáp ứng tình hình mới trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Kiên định "mục tiêu kép" đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế

60 tỷ USD là số tiền Việt Nam có thể thu về từ lượng khách du lịch quốc tế trong năm nay, tuy nhiên con số này giờ gần như là 0. Đây chính là sự đánh đổi kinh tế để lấy con người bởi như nhiều ví dụ trên thế giới cho thấy, có những quốc gia, có những giai đoạn, đã đặt ưu tiên kinh tế lên trên sức khoẻ con người nhưng cả 2 mục tiêu đều không đạt được.

Chia sẻ trong phiên họp sáng 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế, sẽ tiếp tục là định hướng nhất quán của Chính phủ trong giai đoạn tới.

Cần đưa việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch phát triển KT-XH - Ảnh 2.

Vừa phòng chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục là định hướng nhất quán của Chính phủ trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa - Dân trí.

"Dù khát khao về phát triển rất lớn lao, nhưng chúng tôi quyết định chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam. Người ta phản đối lắm, nhưng chúng tôi cương quyết vì dịch bệnh lớn quá, khó kiểm soát. Còn khách đầu tư, nhà ngoại giao, quản lý, công nhân lành nghề… thì chúng ta tạo điều kiện, có kiểm soát. Năm 2021 vẫn kiểm soát mạnh mẽ COVID-19, không thể chủ quan, lơ là", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Y tế, hay môi trường, xét cho cùng là để đảm bảo sự phát triển bền vững. Vấn đề bài toán này đặt ra chưa bao giờ lại đúng và cấp thiết như giai đoạn hiện nay.

Riêng vấn đề môi trường, dự kiến sẽ là một trong những nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII mà Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội để lấy ý kiến góp ý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước