Cần giải pháp đồng bộ khôi phục sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Nam

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 16:42 GMT+7

VTV.vn - Việc nhanh chóng đưa ra giải pháp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam sau giãn cách là nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang bắt đầu có những chuyến biến tích cực. Là khu vực trọng điểm của ngành nông nghiệp, nên việc nhanh chóng đưa ra giải pháp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực này sau giãn cách là nhiệm vụ cấp bách được ngành nông nghiệp đưa ra trong Hội nghị sáng nay (17/9) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Cần giải pháp đồng bộ khôi phục sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Nam - Ảnh 1.

Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là khu vực trọng điểm của ngành chế biến xuất khẩu thủy sản. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chiếm từ 70 - 75% giá trị kim ngạch chế biến xuất khẩu thủy sản toàn quốc, Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là khu vực trọng điểm của ngành hàng quan trọng này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 30 - 40% các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội.

Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine chưa thể đến cơ sở sản xuất, hoặc đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19…

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án và cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất vì thời gian của năm không còn nhiều, làm sao để nhà máy sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" có sự khác nhau giữa các tỉnh. Điển hình là việc xét nghiệm cho công nhân khá bất cập, có nơi xét nghiệm 20%, có nơi 30% tổng số công nhân. Đây đang là chi phí quá lớn với doanh nghiệp. Trong khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về xét nghiệm ở doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về vấn đề này; trong đó, quy định rõ tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi.

Không chỉ gặp khó về sản xuất thủy sản, xuất khẩu rau quả cũng ghi nhận 4 tháng giảm liên tiếp. Việc các nước nhập khẩu có xu hướng nâng cao và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19, nhiều cửa khẩu tạm thời đóng cửa, khiến tốc độ thông quan chậm, chi phí của doanh nghiệp tăng lên.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, thị trường xuất khẩu trong quý 4 có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để phục hồi sản xuất, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa..., cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định làm thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới.

Về dài hạn, cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp; sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường; chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần linh hoạt ứng dụng công nghệ trong việc kiểm dịch nông sản xuất khẩu; chuyển hướng tập trung xuất khẩu đến các thị trường gần hơn như châu Á trong 3 tháng cuối năm để hạn chế những rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Các khu vực chế biến cho phép doanh nghiệp linh hoạt thiết kế mô hình hoạt động theo từng ngành hàng, phù hợp với khả năng và điều kiện của từng vùng sản xuất và doanh nghiệp.

Ngành nông nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khôi phục sản xuất Ngành nông nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khôi phục sản xuất

VTV.vn - Ngành nông nghiệp các tỉnh đề xuất Tổ công tác 970 kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về khôi phục sản xuất nông nghiệp trên cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước