Căn hộ nửa tỷ đồng/m2 dành cho giới siêu giàu: Có đúng tiền nào của đấy?

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 06/06/2021 13:06 GMT+7

VTV.vn - Nhiều vấn đề cần được giải đáp khi bỏ tiền mua "bất động sản hàng hiệu" với giá "khủng", liệu đã đúng với giá trị thật của căn hộ theo nguyên tắc "tiền nào của đấy"?

Căn hộ nửa tỷ đồng mỗi m2 dành cho giới siêu giàu

Theo ghi nhận, một vài năm trở lại đây, giá bán căn hộ siêu sang tại một số thành phố lớn, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, mỗi năm đều lập những đỉnh mới khiến không ít người cảm thấy choáng váng. Những căn hộ lên tới gần nửa tỷ đồng mỗi m2 đã không còn quá lạ lẫm với thị trường.

Thông tin từ Savills cho thấy, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 tới ngành bất động sản trong năm 2020, mô hình bất động sản hàng hiệu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng so với các lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu trên thế giới.

Chuyên gia Savills cho biết, có nhiều người không thể chi trả cho các sản phẩm bất động sản hàng hiệu bởi những sản phẩm này thường có thiết kế cao cấp, dịch vụ chất lượng hơn. Đây cũng chính là điều dẫn đến sự khác biệt đặc biệt nằm ở giá thành sản phẩm.

Mặc dù giá thành của loại hình bất động sản này tại Hà Nội được cho là khá cao, nhưng vẫn thấp hơn so với các sản phẩm tương tự ở TP Hồ Chí Minh.

Căn hộ nửa tỷ đồng/m2 dành cho giới siêu giàu: Có đúng tiền nào của đấy? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bất động sản mới thành lập cũng hét giá căn hộ hàng hiệu vài trăm triệu đồng/m2 khiến chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo. (Ảnh minh họa).

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) - cho biết, trong năm qua, báo chí đồng loạt đưa tin rầm rộ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP Hồ Chí Minh với "mác" thương hiệu bất động sản nổi tiếng thế giới, tọa lạc tại các "khu đất vàng" nằm ở trung tâm thành phố… với giá bán cũng "cực đỉnh" lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2.

Với giá căn hộ lên đến vài chục tỷ đồng, ông Châu cho rằng nó sinh ra để dành cho giới rất giàu, siêu giàu trong nước và người nước ngoài.

"Đây cũng là nhu cầu có thực mới phát sinh trong giới rất giàu, siêu giàu thời gian gần đây, khi nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ và hình thành nên tầng lớp nhà giàu mới" - ông Châu nhận định.

"Bất động sản hàng hiệu là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp hạng sang, siêu sang. Bất động sản hàng hiệu xuất hiện lần đầu tiên tại New York cách đây gần 100 năm" - ông Châu cho biết thêm.

Có đáng đồng tiền bát gạo?

Lãnh đạo HoREA cho biết, thị trường bất động sản hàng hiệu có hai dòng sản phẩm. Một là sản phẩm bất động sản hàng hiệu "chính chủ" do chính doanh nghiệp bất động sản hàng hiệu có uy tín thương hiệu toàn cầu phát triển dự án và kinh doanh sản phẩm. Đây là loại sản phẩm có thương hiệu ổn định lâu dài, được "chính chủ" quản lý vận hành, cung ứng các dịch vụ chuẩn mực.

Hai là sản phẩm bất động sản hàng hiệu do sự hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án, được điều chỉnh bởi hợp đồng do hai bên giao kết.

"Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu của bất động sản hàng hiệu (phía nước ngoài), kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án (phía trong nước)" - ông Lê Hoàng Châu nói.

Vấn đề đặt ra theo ông Châu là vì sao cũng có doanh nghiệp được thành lập chưa lâu lại phát triển được dự án "hàng hiệu"?

"Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức "đứng trên vai người khổng lồ", "mượn" uy tín thương hiệu của bất động sản hàng hiệu nước ngoài để khẳng định đẳng cấp sản phẩm nhà ở để kinh doanh" - ông Châu nhận định.

Với phương thức này, để được "mượn" uy tín thương hiệu đối tác nước ngoài, thì doanh nghiệp phát triển dự án cũng phải có năng lực để thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đầu tư, trang thiết bị và quản lý vận hành tòa nhà, đảm bảo cung ứng các tiện ích, dịch vụ cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết với đơn vị quản lý bất động sản hàng hiệu.

Tuy nhiên lãnh đạo HoREA cho biết, có một số vấn đề cần được giải đáp thỏa đáng là khách hàng bỏ tiền mua bất động sản hàng hiệu với giá "khủng", thì liệu đã đúng với giá trị thật của căn hộ theo nguyên tắc "tiền nào của đấy", có thực sự "đáng đồng tiền bát gạo" không? Việc sử dụng tên của thương hiệu bất động sản hàng hiệu là ổn định lâu dài hay chỉ có thời hạn? Việc quản lý vận hành cung ứng các "dịch vụ hàng hiệu" được chi trả như thế nào?

Những cảnh báo dành cho người mua

Với thực tế trên, lãnh đạo HoREA đã đưa ra một loạt yếu tố để người mua có thể cân nhắc.

Trước hết, theo lãnh đạo HoREA, để được công nhận là dự án bất động sản hàng hiệu thì phải đạt tiêu chuẩn của đơn vị quản lý thương hiệu bất động sản hàng hiệu. Nhưng chúng ta đều biết, về mặt kinh doanh thì "không có bữa ăn nào miễn phí". Để được sử dụng tên "hàng hiệu" thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán mà người mua nhà phải thanh toán chi phí "mượn" tên này, kể cả chi phí quảng bá sản phẩm ở trong nước và ở nước ngoài đều được "tính đủ" vào giá bán nhà.

Về thời hạn được sử dụng tên thương hiệu của bất động sản hàng hiệu, có hai trường hợp xảy ra: Nếu do chính chủ sở hữu thương hiệu là chủ đầu tư phát triển dự án thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. Còn đối với dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu thì thời hạn theo giao kết của hợp đồng, ví dụ 10 năm, 15 năm... Sau thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng thì không còn được phép sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu này nữa.

Về phương thức bán hàng, thường thì chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu sẵn sàng chi đậm cho công tác quảng bá sản phẩm và thực hiện phương thức ra hàng nhỏ giọt, chia nhỏ "rổ hàng" để tạo sự khan hiếm và kích thích tâm lý "bạn là một trong số ít người đầu tiên" sở hữu bất động sản hàng hiệu của dự án.

Dự án bất động sản hàng hiệu chỉ giải quyết nhu cầu "nhà hàng hiệu" cho giới  rất giàu, siêu giàu và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất thấp ở Việt Nam. Việc mua để cho thuê lại bất động sản hàng hiệu cũng không phải dễ dàng, vì rất kén chọn khách hàng. Nên thị phần "hàng hiệu" không lớn như nhà đầu tư kỳ vọng. Đây không phải là sân chơi dành cho các doanh nghiệp bất động sản, hoặc nhà đầu tư "tay mơ".

Với loạt yếu tố trên, lãnh đạo HoREA cho rằng khách hàng, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin của dự án bất động sản hàng hiệu, nhất là nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị nhầm lẫn.

Hiệp hội cũng đề nghị các chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu luôn thể hiện uy tín thương hiệu, cung cấp đầy đủ thông tin dự án, căn hộ, giải thích cặn kẽ "hợp đồng mua bán nhà" cho khách hàng và luôn chăm sóc chu đáo khách hàng của mình, để thực sự mang đến luồng gió mới bất động sản hàng hiệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước