Cần khoảng 4,4 triệu tỷ đồng để TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 10% trong 5 năm tới

-Thứ tư, ngày 18/12/2024 12:41 GMT+7

VTV.vn - Để đạt được mức tăng trưởng 10% cho giai đoạn 2025 - 2030, chính quyền TP. Hồ Chí Minh ước tính sẽ cần nguồn lực đầu tư là khoảng 4,4 triệu tỷ đồng.

Cơ sở để TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng hai con số

Tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương 7,17% với mức thu ngân sách lần đầu vượt mốc 500.000 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh tế ước tính TP. Hồ Chí Minh trong năm 2024. Để có thể đạt những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2030 - 2045, chính quyền Thành phố đang đề xuất đặt mục tiêu mức tăng trưởng 9-10% trong giai đoạn 2025 - 2030 - mức cao nhất trong nhiều năm qua. Cơ sở nào để đầu tàu kinh tế đạt được mức tăng trưởng "hai con số"?

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đánh giá mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức, nhưng có cơ sở. Cơ sở ở đây có thể gói gọn trong hai từ "Dư địa". Trong số ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, chỉ riêng động lực đầu tư đã có dư địa tăng trưởng rất lớn cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ dự án có quy mô đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng đang được chính quyền Thành phố tập trung tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, nếu có thể tháo gỡ thành công những điểm nghẽn thì có thể giúp bơm ra một lượng vốn đầu tư rất lớn cho nền kinh tế.

Tháo gỡ điểm nghẽn – khơi thông nguồn lực

Khoảng ba năm trở lại đây sau đại dịch, kinh tế TP. Hồ Chí Minh có tăng trưởng chững lại. Nhưng theo giới chuyên gia, đây cũng là thời điểm từ Trung ương đến Thành phố có nhiều nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cụ thể hóa cơ chế đặc thù.

Nhờ vậy đến nay đã có được kết quả cụ thể. Đã có hơn một nửa trong số 64 dự án bất động sản tại Thành phố đã được tháo gỡ vướng mắc, giúp nguồn thu từ đất đai qua 10 tháng đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thành phố đang tập trung những dự án quy hoạch treo. Tháo gỡ để mở rộng quy mô các khu công nghiệp mà trong nhiều năm mở rộng không được, để thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Những điều đó tác động đến nền kinh tế rất lớn".

Nhiều nghị quyết về cơ chế đặc thù liên quan đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị đang tiếp tục được nghiên cứu để tạo cơ chế thông thoáng hơn, hỗ trợ đầu tàu kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Bên cạnh đầu tư tư nhân, đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để có thể đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng. Như năm nay, lượng vốn đầu tư công tại Thành phố ước tính đến đầu tháng 12 đã giải ngân được tỷ lệ là 33%, nghĩa là còn hơn 50.000 tỷ đồng vốn công đang chờ được giải ngân để kích thích tăng trưởng. Năm 2025, lượng vốn đầu tư công được giao cho Thành phố còn nhiều hơn năm nay.

Cần khoảng 4,4 triệu tỷ đồng để TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 10% trong 5 năm tới - Ảnh 1.

Cùng với lượng vốn từ năm nay chuyển sang, lượng vốn công giao cho đầu tàu kinh tế có thể đạt khoảng 100.000 tỷ đồng

Dư địa giải ngân đầu tư công còn nhiều

Các dự án trọng điểm kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài tiếp tục được thúc tiến độ. Năm 2025 cũng là năm một loạt dự án giao thông, chỉnh trang đô thị quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh được triển khai. Kỳ vọng giúp nguồn vốn đầu tư công đóng góp cho tăng trưởng thông qua các "đại công trường".

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Nguồn lực đầu tư công sẽ kích thích tạo động lực cho nguồn đầu tư xã hội ngày càng lớn hơn tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2025, Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho việc triển khai thực hiện đầu tư công trên địa bàn Thành phố, làm sao phấn đấu vẫn đảm bảo mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95%".

Chính quyền Thành phố ước tính năm sau được giao giải ngân 85.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Cùng với lượng vốn từ năm nay chuyển sang, lượng vốn công giao cho đầu tàu kinh tế có thể đạt khoảng 100.000 tỷ đồng.

Theo giới chuyên gia, con số này là thách thức nhưng cũng là cơ hội chưa từng có để có thể đóng góp cho giai đoạn tăng trưởng mới của Thành phố.

Để đạt được mức tăng trưởng 10% cho giai đoạn 2025 - 2030, chính quyền TP. Hồ Chí Minh ước tính sẽ cần nguồn lực đầu tư là khoảng 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, nguồn huy động từ ngân sách ước tính vào khoảng 1,1 triệu tỷ đồng. Để làm được điều này, ngoài nguồn thu truyền thống, chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ cần những giải pháp mới trong việc huy động nguồn lực xã hội như thu từ việc đấu giá các quỹ đất hình thành từ mô hình phát triển đô thị dựa trên định hướng giao thông TOD. Nghĩa là sẽ có vai trò rất quan trọng của việc khai thác hiệu quả dư địa về đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước