Dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy của Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến có nội dung: Người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số từ bên cung cấp dịch vụ và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến.
Chữ ký số cũng giống như chữ kí tay, nhưng được thực hiện trên môi trường số, giúp xác thực các giao dịch. Hiệp hội Ngân hàng sáng nay đã tổ chức hội thảo bàn về vấn đề này vì phía ngân hàng cho rằng, quy định này nếu áp dụng với tất cả giao dịch thì sẽ phát sinh chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, cần có những quy định rõ ràng hơn.
Nếu theo quy định mới, với khách hàng đặc biệt là khách hàng cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến, lệnh chuyển khoản dù chỉ có giá trị vài nghìn đồng cũng sẽ phải cung cấp thêm chữ ký số đã được công nhận bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, đằng sau bước cung cấp mã OTP.
Theo ước tính của Hiệp hội Ngân hàng, ví dụ tại 1 ngân hàng có lượng giao dịch 6,5-7 triệu giao dịch/ngày thì sẽ phải chi trả thêm số tiền lên đến hơn 6.000 - 21.000 tỷ đồng để thanh toán mua chữ ký số theo giá thị trường hiện tại mỗi năm. Con số này chưa bao gồm chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ cho ngân hàng.
"Khi 2 bên cùng với nhau sử dụng 1 nền tảng điện tử thì phía ngân hàng sử dụng chữ ký chuyên dùng, bên khách hàng sử dụng chữ ký số. 2 loại chữ ký điện tử cùng chung 1 nền tảng nhưng khác nhau thì sẽ không phù hợp. Đối với ngân hàng toàn cầu như chúng tôi, khi sử dụng chữ ký số để nhúng vào hệ thống ngân hàng lõi của ngân hàng toàn cầu gây ra sự không tương thích", bà Phan Thị Hồng Thuý - Giám đốc pháp chế, Ngân hàng MUFG Việt Nam cho hay.
Đại diện các ngân hàng cũng cho biết, hiện trên thị trường chỉ có 10 nhà cung cấp chữ ký điện tử từ xa. Đối với ngành ngân hàng ước tính 1 tỷ giao dịch mỗi năm. Việc phụ thuộc vào số lượng ít nhà cung cấp có thể gây ra gián đoạn khi thực hiện giao dịch nếu có vấn đề, và cũng chưa có sự kiểm nghiệm về tính bảo mật khi ngân hàng chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng với 1 bên thứ 3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!