Cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/08/2023 21:04 GMT+7

VTV.vn - Một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được làm chủ đầu tư nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bảo đảm quyền lợi cho bên mua bất động sản

Tiếp tục chương trình làm việc, hôm nay (29/8), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh sửa dự án luật từ sau kỳ họp thứ 5, một số đại biểu đề nghị, đối với quy định mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, cần tăng trách nhiệm của bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua, đồng thời cần xem xét quy định về mức đặt cọc khi giao dịch.

Thực tế xảy ra tình trạng sau khi bên bán, bên mua cho thuê mua thu 95% giá trị hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi đề nghị quy định bên bán, bên mua cho thuê không được thu quá 90% giá trị hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai nhằm tăng trách nhiệm của bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua", bà Đặng Thị Bích Ngọc, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đề xuất.

"Dự thảo đang quy định mức đặt cọc tối đa là 10%. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cũng nên quy định mức tối thiểu để tránh tình trạng số tiền đặt cọc quá thấp dễ dẫn đến việc khách hàng, nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc", bà Nguyễn Minh Tâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nói.

Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định công chứng hợp đồng kinh doanh bất động sản giữa một bên là cá nhân và một bên là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

"Hàng nghìn người dân đã bị doanh nghiệp bất động sản lừa đảo, nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra. Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với một hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Chính vì vậy, một chuyên gia công chứng sẽ là bên thứ ba tham gia kiểm soát hợp đồng này trên cơ sở đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó đề nghị chỉnh sửa theo hướng hợp đồng kinh doanh bất động sản nếu có một bên là cá nhân thì phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng", ông Lê Thanh Hoàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị.

Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động

Cân nhắc việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Chiều nay, tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), vấn đề trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động là nội dung thu được nhiều ý kiến khác nhau.

"Tổng Liên đoàn Lao động là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. Nhà ở cho công nhân là cho thuê, mua, bán. Nếu giao Tổng Liên đoàn thì phải thông qua doanh nghiệp để thực hiện dự án này, như vậy thì để chủ đầu tư của UBND tỉnh hoặc chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tư", ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến.

"So với các chủ đầu tư khác, Tổng Liên đoàn có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân do có hệ thống công đoàn từ cấp Trung ương cho đến cơ sở. Điều này sẽ giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng địa bàn đang có nhu cầu đang thiếu nhà ở xã hội thực sự", bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nêu quan điểm.

Trước một số ý kiến đồng tình với việc Tổng Liên đoàn Lao động được làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc khi quy định trong dự thảo.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu đã thảo luận về việc cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư dưới nhiều hình thức và cân nhắc về nguyên tắc phát triển nhà ở theo quy mô phát triển dân số và đô thị hóa. Ngày mai (30/8), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cần chấm dứt tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu 'bốc thăm trúng thưởng' Cần chấm dứt tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu "bốc thăm trúng thưởng"

VTV.vn - Giá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập 1 năm của hộ gia đình. Và nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước