Cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI

VTV Digital-Thứ năm, ngày 12/05/2022 09:33 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI của Việt Nam vẫn đạt trên 31 tỷ USD, là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dù số vốn tăng lên nhưng số lượng các dự án có công nghệ hiện đại mới chỉ chiếm 5%, còn công nghệ lạc hậu vẫn chiếm tới 15%. Vì vậy, cần sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả của khu vực FDI, để sớm có những chính sách giúp thu hút nguồn vốn ở khu vực này một cách bền vững, hiệu quả, đây là một trong những đề xuất được đưa ra tại Lễ công bố "Báo cáo thường niên về đầu tư FDI năm 2021" do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vừa tổ chức.

Các dự án FDI hiện nay chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao. một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn trốn thuế, hoặc báo lỗ liên tục. Ví dụ, năm 2020 có hơn 16.000 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 64% doanh nghiệp khai báo, vì vậy rất cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của khu vực FDI.

Cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI - Ảnh 1.

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI của Việt Nam vẫn đạt trên 31 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Phải có bộ tiêu chí đánh giá đầu tư nước ngoài đóng góp như thế nào vào nền kinh tế, mặt được và chưa được trên mức độ khoa học là định lượng, chứ chúng ta nói định tính thì rất khó, đóng góp nhiều hay ít, rất khó cho Chính phủ ra được các chính sách là đúng, cũng như là khó cho các nhà đầu tư để người ta tìm hiểu thị trường để họ đến", bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho hay.

Bộ tiêu chí đánh giá đang xây dựng gồm có 26 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ… Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, các chỉ tiêu càng cụ thể càng dễ đánh giá thực chất, càng dễ thu hút được nhà đầu tư FDI chất lượng.

"26 tiêu chí này phải chi tiết hóa, cụ thể đến mức nhà đầu tư dự định vào Việt Nam, người ta có thể tự chấm điểm, tôi vào Việt Nam thì tôi sẽ đạt điểm đó", ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thăng Long Tech, nói.

Định hướng thu hút FDI giai đoạn 2021 - 2025 từ khoảng 150 - 200 tỷ USD. Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu về số lượng có thể đạt được, nhưng hiệu quả thực chất khó đạt được, nếu không sớm có bộ tiêu chí để đánh giá.

Ngoài việc cần sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, để thu hút được nguồn vốn FDI có chất lượng, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp, các địa phương cần chủ động trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư có chất lượng cao. Thay vì việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, ngồi chờ họ tìm đến với mình, việc chủ động đi tìm kiếm sẽ chọn lọc, gặp gỡ được nhà đầu tư phù hợp theo ý muốn.

Chủ động thu hút nguồn vốn FDI chất lượng

Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Smarttech Việt Nam đã chủ động đầu tư nhân lực vào nghiên cứu, sản xuất các thiết bị đặc biệt như chip, bo mạch… cho các thiết bị y tế, trường học, đồ gia dụng… Để sản xuất quy mô lớn các sản phẩm "Made in Việt Nam", doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn FDI. Cách đây vài ngày, họ đã ký kết thành công hợp tác thỏa thuận với INDIC EMS - một tập đoàn điện tử quy mô lớn đến từ Ấn Độ.

"Kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược đầu tư của mình, trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Khẳng định tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có tri thức thì có thể tạo ra Make In Việt Nam và Made in Việt Nam", ông Quách Hồng Thuận, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Smarttech Việt Nam, chia sẻ.

Năm 2021, Vĩnh Phúc đã thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Chiến lược năm 2022 của tỉnh là không thu hút FDI bằng mọi giá, chủ động lựa chọn, ưu tiên các nhà đầu tư đủ năng lực, có công nghệ cao. Ví dụ như Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam vừa được tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận mở rộng quy mô đầu tư thêm 6,4 triệu USD, do sản xuất có hàm lượng công nghệ cao.

"Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ chúng tôi khá nhiều. Các thủ tục hành chính thuận lợi. Trong lúc COVID-19 còn cử tổ hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp cách phòng chống dịch bệnh, điều đó giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn và đến nay thì quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Matt Kantrud, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam, cho biết.

Cần sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI - Ảnh 2.

Định hướng thu hút FDI giai đoạn 2021 - 2025 từ khoảng 150 - 200 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tranh thủ thu hút vốn FDI để phục hồi nền kinh tế, việc chủ động tìm kiếm nguồn vốn từ doanh nghiệp, các địa phương, cơ quan quản lý… sẽ là bước tiến quan trọng trong chiến lược thu hút nguồn vốn FDI thực chất, hiệu quả.

Vì sao LEGO chọn Việt Nam là điểm đến?

Vậy còn dưới góc nhìn của các doanh nghiệp FDI, tại sao họ lại lựa chọn Việt Nam là điểm đến? Mới đây, Giám đốc vận hành của Tập đoàn LEGO Carsten Rasmussen đã có chuyến công tác tới Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng nhà máy hơn 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương.

Phóng viên bản tin đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Rasmussen về tầm nhìn của doanh nghiệp FDI này tại Việt Nam.

PV: Tại sao LEGO lại chọn Việt Nam là điểm đến?

Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành, LEGO: "Thực sự là câu hỏi tỷ USD. Chúng tôi đã dành ra 2 năm nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng các quốc gia trong khu vực trước khi đưa ra quyết định. Tiêu chí đầu tiên, chúng tôi cho rằng kỹ năng tay nghề, tư duy và thái độ làm việc của người Việt Nam giúp chúng tôi gây dựng được nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp. Việt Nam dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng từ 5 - 6% trong năm nay, với vị trí địa lý chiến lược cũng giúp chúng tôi chuyển các món đồ chơi của mình tới tay các em nhỏ trong khu vực một cách nhanh nhất. Và cuối cùng, phát triển bền vững là tôn chỉ của chúng tôi, 1 doanh nghiệp gia đình luôn muốn dành những gì tốt nhất cho thế hệ mai sau. Chúng tôi cảm thấy tâm huyết ấy của LEGO đã được cả chính quyền địa phương và trung ương tại Việt Nam ủng hộ, đồng cảm và sẻ chia".

PV: Được biết đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về dự án này không?

Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành, LEGO: "Đây thực sự là bước tiến mới của chúng tôi. Tất cả điện năng sử dụng tại nhà máy sẽ được sản xuất trực tiếp từ cánh đồng điện mặt trời đặt kế bên. Nhà máy sẽ áp dụng rất nhiều quy trình để tối giản năng lượng tiêu thụ khi vận hành. Đây sẽ là một kiệt tác của chúng tôi, mà chúng tôi kỳ vọng có thể áp dụng ngược trở lại 5 nhà máy đang vận hành trên toàn cầu, cũng như lan tỏa thực hành tốt này tới nhiều doanh nghiệp khác".

PV: Cũng liên quan tới phát triển bền vững, Made in Vietnam cũng là một nhân tố quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Liệu LEGO sẽ tạo điều kiện để các nhà cung ứng nội địa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng?

Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc Vận hành, LEGO: "Như đã đề cập, thời gian sản xuất và đưa thành phẩm tới tay các em nhỏ là yếu tố quan trọng hàng đầu với chúng tôi. Do đó, chúng tôi sẽ cần các nhà cung ứng ngay trong khu vực và chắc chắn các bạn sẽ thấy một mạng lưới cung ứng ngay tại Việt Nam. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Hiện giờ chúng tôi cũng đã bắt đầu tuyển được 15 nhân sự mới tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng nhà máy này sẽ đi vào vận hành trong năm 2024 và sẽ còn tiếp tục vận hành tại Việt Nam trong 50 - 100 năm nữa. Dù khi đó tôi chắc cũng chẳng còn, nhưng gia đình LEGO vẫn sẽ ở Việt Nam".

Đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh đại dịch Đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh đại dịch

VTV.vn - Việt Nam là một trong số các nước vẫn duy trì được tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm, dù trong bối cảnh xảy ra dịch bệnh COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước