Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng thay vì mức 50 triệu đồng cho người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, trong trường hợp các tổ chức tín dụng này bị phá sản hoặc không có khả năng chi trả.
Nhiều người gửi tiền cho rằng, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cần tương ứng với lượng tiền gửi, gửi càng nhiều bảo hiểm càng lớn. Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, mức chi trả bảo hiểm cần được nâng tăng lên bởi hiện nay, 70% lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng có giá trị trên 100 triệu đồng, cao hơn so với đề xuất.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng cần thay đổi cách thu phí theo hướng ngân hàng nào hoạt động yếu kém, rủi ro nhiều sẽ phải trả khoản phí lớn hơn, thay vì thu ở mức cố định như hiện nay.
Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang lấy ý kiến các bên liên quan để bổ sung dự thảo. Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu quỹ bảo hiểm tiền gửi mở rộng quy mô, Chính phủ có thể sử dụng một phần tiền từ đây để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!