Cần thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy"

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 31/05/2023 17:31 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Trịnh Xuân An, những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến.

Lòng vòng chính sách, khi giải quyết được, doanh nghiệp đã "gần đất xa trời"

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Phát biểu ý kiến, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.

Đại biểu chỉ ra 4 nút thắt mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đẩy đủ; thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu An, doanh nghiệp đang khát về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện vay về thủ tục. Đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi phải dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất (mặc dù vẫn cao). Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh.

Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn.

Cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Đặc biệt, đại biểu An đề nghị cần thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy". Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ "phụng sự doanh nghiệp", chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.

Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp "đã gần đất xa trời".

Nghẽn ở đâu thông ở đó

Đại biểu An cho rằng đối với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp phải lao đao giải trình lên xuống.

"Với tinh thần đó, các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ trương xử lý đó là "nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó"", đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Theo ông An, cần có các giải pháp thực chất, cụ thể để ngăn chặn "virus" sợ trách nhiệm và bệnh không dám làm. Đối với căn bệnh vô hình này cần có biện pháp cụ thể, cách làm cụ thể và ông cho rằng cần áp dụng cách thức quản trị như của doanh nghiệp, đó là việc khoán sản phẩm, giao định mức, chỉ tiêu, doanh số để các cán bộ, các cấp phải triển khai thực hiện, tránh đùn đẩy.

Cùng với đó cần triệt để áp dụng cơ chế khoán chi thu nhập, ai làm nhiều hưởng nhiều, xây dựng cơ chế thưởng cho người làm việc hiệu quả.

Cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An)

Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) phản ánh, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn.

Cần phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước