ĐBQH: Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không thể "một mình, một chợ"

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 25/05/2023 14:48 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng lợi ích của ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp.

Khó khăn nhưng không được nóng vội

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch năm 2023.

Đánh giá chung về nền kinh tế, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng sự khó khăn ngày càng gia tăng, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng quý I/2023 chỉ ở mức 3,32%. Với tốc độ này để năm nay đạt được mục tiêu tăng trưởng là 6 - 6,5% là thách thức, điều này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn cho thời gian còn lại của năm 2023

Chỉ ra những khó khăn ở quý I/2023, ông Lâm cho biết, nổi lên là những khó khăn sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì thế số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, tạm dừng thì tăng. Cùng với đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền, 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện không hiệu quả…

ĐBQH: Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không thể một mình, một chợ - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng dù tình kinh tế khó khăn song không thể nóng vội tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính

Dù khó khăn xong ông Lâm nhấn mạnh chúng ta cũng không thể thể nóng vội vì đầu năm tăng trưởng thấp mà tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính. Bởi nếu tăng khoản cung tiền cho vay của ngân hàng, tín dụng thì lập tức đẩy chỉ số lạm phát cao. Lạm phát cao thì lập tức lãi suất cao, kéo theo lại phải cho vay cao, lúc đó doanh nghiệp không thể vay được tiền để tái sản xuất. 

"Then chốt là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức phù hợp", ông Lâm nhấn mạnh

Ngân hàng không thể "một mình, một chợ"

Về giải pháp với riêng chính sách tiền tệ, ông Lâm cho rằng, phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền. Thực tế, hiện nay doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vì lãi suất vẫn cao.

"Trong bối cảnh lạm phát của chúng ta ổn định mà lãi suất ngân hàng ở mức cao thì bất hợp lý. Hiện nay chúng ta đang điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh này vẫn là nhỏ giọt. Thực tế có thông tin doanh nghiệp muốn vay thì lãi suất vẫn hơn 13%. Với lãi suất này thì doanh nghiệp lời lãi ở đâu?", ông Lâm đặt câu hỏi.

Để giảm lãi suất, theo ông Trần Văn Lâm, phải duy trì kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát thấp tương đối, tiếp đến là giảm chi phí của ngân hàng.

"Tức là chênh lệch lãi suất cho vay và đi vay phải về mức hợp lý. Thực tế, vừa qua, doanh nghiệp khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi một cách khủng khiếp. Vì sao lại có hiện tượng này, vì chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lớn", ông Lâm nói.

ĐBQH: Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không thể một mình, một chợ - Ảnh 2.

Đạị biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh lợi ích của ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp

Dẫn chứng trong báo cáo giám sát nguồn lực cho phòng chống COVID-19 vừa rồi có nêu "trong thời gian dịch COVID-19 thì lãi suất đi vay giảm nhưng giảm chậm hơn lãi suất cho vay", ông Lâm cho rằng, như vậy là ngân hàng "ăn dày" hơn.

"Ăn" vào lãi suất tiết kiệm của người dân, "ăn" vào chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra khi đi vay, như vậy làm gì chẳng lãi hơn. Nền kinh tế khó khăn, ngân hàng không chia sẻ, không hỗ trợ thì lại còn tranh thủ", ông Lâm nói.

Từ đó, ông Trần Văn Lâm cho rằng, lợi ích của ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải "một mình một chợ, độc quyền".

3 khó khăn chính của doanh nghiệp

Nói thêm về khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đoàn Quảng Trị) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế mở, dễ dàng chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Hiện tại, chính sách tiền tệ các nước đang thắt chặt để chống lạm phát. Cộng hưởng thêm là ảnh hưởng từ xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, dịch bệnh, thiên tai… làm đứt gãy các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông nhấn mạnh, thách thức các quý tới là rất khó khăn bởi để đạt được mục tiêu chung 6,5% cả năm 2023 thì các quý tới phải đạt trung bình 7,5%. Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông nhận định doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.

ĐBQH: Ngân hàng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không thể một mình, một chợ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thời gian sắp tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.

Ông cho biết, hiện nhiều địa phương chậm giải quyết các thủ tục hành chính kiến các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn. Điều này cản trở hoạt động doanh nghiệp, gây khó khăn, cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

"Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm lại việc giải quyết công việc. Điều này làm khó khăn thêm cho nền kinh tế. Đề nghị các đại biểu Quốc hội giám sát luôn ở địa phương mình, để các địa phương nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế", ông nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước