Tuy nhiên, hiện nay, nhà ở xã hội mới đạt được hơn 36% so với nhu cầu. Do vậy làm sao để giải tỏa cơn khát về nhà ở cho đại bộ phận người dân là nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa 15. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần xác định mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, nhà ở xã hội cần được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê.
Cần thêm chính sách phát triển nhà cho thuê
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Cần có chính sách tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở cho thuê, cho thuê mua để đáp ứng nhu cầu và các điều kiện kinh tế của đại bộ phận người lao động, nhất là các lao động trẻ trong xu hướng dịch chuyển lao động ngày càng nhiều đến các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, các đô thị. Chiến lược phát triển nhà ở cho thuê nằm trong chính sách phát triển nhà của nhiều quốc gia đã thành công như là Singapore, Malaysia... là bài học kinh nghiệm quý. Do đó, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ, đột phá để xây dựng các dự án nhà ở cho thuê.
Hạn chế tiêu cực khi phát triển nhà cho thuê
Hiện người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp cho nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn. Do vậy, nhiều ý kiến chỉ ra nếu cứ gắn mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả là người dân sẽ khai man các điều kiện như là thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ việc mua nhà ở xã hội với giá thấp, hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa của nó.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nói: "Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước thì sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà ở giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý vì nhà ở giá rẻ có thể mua và cho thuê, bản chất là nhà thương mại, còn nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy, người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội".
Tuy nhiên, để thực hiện được thì nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn. Về phía các nhà đầu tư, việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về thì cũng rất khó thu hút được đầu tư như tình trạng đã xẩy ra thời gian qua.
Khuyến khích đầu tư nhà cho thuê
Có thể thấy, nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư mặc dù không có bất kỳ sự ưu đãi, hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động? Có nhiều ý kiến cho rằng, cần chính sách để phát triển mô hình nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân.
Đại biểu Ngô Trung Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Trong luật cần có mục riêng quy định về chính sách phát triển hình thức nhà ở này, trong đó, quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất "0 đồng" để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay và đảm bảo được chuẩn hóa, đảm bảo được những tiêu chuẩn do Luật quy định. Đại biểu nhấn mạnh, có như vậy mới vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động.
Tháo gỡ các thủ tục để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được xem là động lực mới cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Sau 2 tháng Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho các địa phương phê duyệt và công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói tín dụng ưu đãi này. Hiện có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng, thuộc đối tượng nhận gói vay ưu đãi này. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân vì nhiều dự án trong diện được vay lại chưa đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí, tính pháp lý… theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Do vậy, rất cần sự tham gia của các địa phương để hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho các chủ đầu tư.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng nói: "Chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, họ phải có các điều kiện là đã được giao đất, đã có đất sạch, đã được cấp phép xây dựng, sẽ là các cái đối tượng đảm bảo các điều kiện. Để đảm bảo sự thành công của chính sách đó là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương phải quan tâm vào việc trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, các điều kiện để xác nhận các cái đối tượng để thụ hưởng".
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các địa phương còn là đảm bảo tính minh bạch cũng như làm sao để gói vay đúng và trúng đối tượng thì mới giúp gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể giúp tăng nguồn cung cho phân khúc nhà ở xã hội đang có nhu cầu rất lớn này.
Đảm bảo sự minh bạch khi tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Chưa tới một nửa dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị dành 20% quỹ đất cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương chủ yếu dành quỹ đất cho các dự án có lợi nhuận cao nên không tránh khỏi những lo ngại về tính minh bạch, cũng như làm sao để gói vay đúng và trúng đối tượng.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Chính quyền địa phương có thể là một cơ quan đưa ra danh mục các dự án có thể được hưởng chế độ này mà không tránh tình trạng là không bị trục lợi. Trách nhiệm khi cho vay vào các dự án đó khi rủi ro xảy ra thì ai sẽ là người gánh chịu trách nhiệm? Chính quyền địa phương là người chỉ dự án hay là cơ quan tín dụng là người cấp vốn? Rõ ràng đấy cũng là một điều vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Bây giờ tỷ lệ bố trí đất ở cho nhà ở xã hội hay là thực hiện dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc, đơn cử là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng. Ưu đãi việc cấp đất rồi quy hoạch bố trí đất của chính quyền, của địa phương chiếm rất là ít.
Phải mất 2-3 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho tới khi cầm được quyết định cấp phép xây dựng; quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận… là những yếu tố khiến chẳng có mấy chủ đầu tư mặn mà với việc xây nhà ở xã hội. Đơn giản hoá, rút gọn các thủ tục pháp lý, xem xét điều chỉnh mức lãi suất của gói vay ưu đãi và cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương… sẽ là các biện pháp phá rỡ rào cản cho nhà ở xã hội lúc này.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước sử dụng các công cụ thuế, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!