Cần thiết đổi mới mô hình quản lý thuế với doanh nghiệp lớn

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 03/12/2020 20:48 GMT+7

VTV.vn - Hiện công tác quản lý thuế với các doanh nghiệp lớn chưa tương xứng và phân tán theo 2 cấp. Vì vậy, việc tổ chức lại bộ máy quản lý doanh nghiệp lớn là hết sức cần thiết.

Chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc nhưng các doanh nghiệp lớn hiện đóng tới gần một nửa tổng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên công tác quản lý thuế với các doanh nghiệp này hiện chưa tương xứng và phân tán theo 2 cấp trung ương, địa phương.

Nguyên nhân được xác định là do việc hướng dẫn chính sách thường thiếu thống nhất, trong khi tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở mỗi địa phương lại khác nhau. Vì vậy, việc tổ chức lại bộ máy quản lý thuế doanh nghiệp lớn là hết sức cần thiết vào thời điểm này.

Hiện cả nước có 561 doanh nghiệp lớn với 2.500 doanh nghiệp con trực thuộc hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Bất cập ở chỗ, doanh nghiệp mẹ do Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn của Tổng cục Thuế quản lý, trong khi các doanh nghiệp con lại thuộc sự quản lý của 63 cục thuế địa phương.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, cùng một chính sách thuế, nhưng mỗi cục thuế địa phương lại hướng dẫn và thực hiện khác nhau gây khó trong việc thống nhất kê khai, nộp thuế của các doanh nghiệp lớn.

Cần thiết đổi mới mô hình quản lý thuế với doanh nghiệp lớn - Ảnh 1.

Công tác quản lý thuế với các doanh nghiệp lớn hiện chưa tương xứng và phân tán theo 2 cấp trung ương, địa phương. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Trùng lặp nhau, chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau trong nội bộ quản lý mà không tập trung được năng lực cần thiết để quản lý. Theo tôi, không nên chia cắt, dàn trải như hiện nay", TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định.

"Hiện tại ở đâu đó các địa phương triển khai vẫn chưa thống nhất về một vấn đề. Do đó chúng tôi thấy rằng đề án đưa vụ thành Cục Quản lý doanh nghiệp lớn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động", bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam, cho hay.

Hiện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chủ yếu hướng dẫn, giải đáp về chính sách pháp luật thuế hoặc thống kê số nộp thu ngân sách của các doanh nghiệp lớn. Các Cục Thuế địa phương vẫn quản lý thuế trực tiếp và thực hiện các nghiệp vụ như: kê khai, quản lý thu nợ, cưỡng chế thuế, thanh kiểm tra thuế.

Nếu quản lý các doanh nghiệp lớn theo một hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương sẽ giúp hạn chế được các tồn tại nêu trên.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nâng cấp Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn với đầy đủ các chức năng quản lý thuế; đồng thời thiết lập một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Cục này với các Cục Thuế địa phương trong quản lý thuế các doanh nghiệp lớn.

Siết chặt quản lý thuế với người kinh doanh qua mạng Siết chặt quản lý thuế với người kinh doanh qua mạng

VTV.vn - Nhiều người bán hàng qua mạng không biết hoặc không muốn thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế cho Nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước