Cần thiết xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế sau dịch

Điệp Anh-Thứ sáu, ngày 01/10/2021 16:05 GMT+7

VTV.vn - Thời gian tới, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dài hạn, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng chủ yếu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn trong ngắn hạn. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một chương trình tổng thể, mang tính dài hạn với các giải pháp đồng bộ và nguồn lực đi kèm để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, đây là nội dung được thảo luận tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (1/10).

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như: Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô tổng thể các gói hỗ trợ trong năm nay là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây vẫn mức hỗ trợ thấp so với các quốc gia trong khu vực. Thời gian tới, Chính phủ và Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dài hạn, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19.

"Chính sách phải tổng thể, tác động cả về phía cung để giảm chi phí sản xuất, phía cầu để tạo đầu ra sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông hàng hóa, logistics. Thời gian thực hiện chương trình cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cần thiết xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế sau dịch - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)

Từ giữa tháng 7, 16 ngân hàng đã cam kết giảm thêm lãi suất cho vay trong năm nay cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau hơn 1 tháng, tổng số tiền lãi đã giảm đạt hơn 8.800 tỷ đồng. Các doanh nghiệp mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục có những gói vay ưu đãi.

"Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn phải đi vay với lãi suất 9 - 10%. Chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo sâu vấn đề này để lãi suất cho vay hiện hành trong cả năm 2021 và 2022 cho tất cả các doanh nghiệp chỉ từ 7 - 8%", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Phạm Huy Hùng nêu đề xuất.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đều đồng tình, các gói hỗ trợ của Việt Nam hướng nhiều về chính sách tài khóa, trong khi các quốc gia khác lại có xu hướng nghiêng về hỗ trợ tài chính trực tiếp.

"Việt Nam nên tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa các gói hỗ trợ tài chính và tài khóa, chú trọng nhiều hơn đến phần chi tiêu, tức là tiền mặt, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế", Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud nhận định.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, thời gian tới các giải pháp hỗ trợ sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng có khả năng phục hồi nhanh và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Bức tranh sáng tối kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm Bức tranh sáng tối kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm

VTV.vn - Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lớn đến nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước