Cần Thơ thực hiện phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 18/9

TTXVN-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 16:40 GMT+7

VTV.vn - UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18/9.

Phương án này nhằm giải quyết tình trạng đa số các doanh nghiệp đã đóng cửa từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội đang mong muốn được hoạt động trở lại; đồng thời, phù hợp với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" tập trung sang một hình thức vận hành mới mang tính bền vững hơn, chủ động hơn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều đáp ứng được yêu cầu an toàn để hoạt động trở lại. Vì vậy, thành phố Cần Thơ ưu tiên mở cửa trước cho doanh nghiệp đã sẵn sàng, các doanh nghiệp còn lại sẽ khởi động sau khi đã chuẩn bị các kế hoạch hoạt động lại.

Cần Thơ thực hiện phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 18/9 - Ảnh 1.

Thực phẩm tươi sống bày bán tại một siêu thị ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngoài ra, mỗi quận, huyện cần căn cứ vào đặc thù của địa phương để điều chỉnh yêu cầu sao cho phù hợp để doanh nghiệp phát huy được sự chủ động, khắc phục hạn chế và tận dụng được nguồn lực địa phương.

Khi tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp, giải pháp để các doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại là các doanh nghiệp nâng công suất hoạt động dần dần theo mức 30%, 50%, 70% và cao hơn.

Các doanh nghiệp ưu tiên việc làm trở lại trước cho người lao động ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao (phụ nữ mang thai, người có bệnh nền,...). Người lao động phải thực hiện 5K tại nơi làm việc, nơi ở; di chuyển duy nhất giữa nơi ở và nơi làm việc. Doanh nghiệp tự xét nghiệm hoặc thuê xét nghiệm theo định kỳ cho tất cả người lao động.

Phương án tổ chức sản xuất cũng đưa ra trường hợp khi phát hiện ca nhiễm, nếu là cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế cho đến khi đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì được phép hoạt động trở lại; đối với cơ sở sản xuất (nhà máy), doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (F0, F1), cơ quan y tế sẽ hướng dẫn cách ly, điều trị.

Các giai đoạn triển khai việc tổ chức sản xuất, kinh doanh

Việc tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn sau ngày 18/9 được UBND thành phố Cần Thơ chia làm 3 giai đoạn triển khai.

Theo đó, giai đoạn 1, khi các doanh nghiệp có đề án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch được cơ quan có thẩm quyền quản lý phê duyệt (Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp phê duyệt đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Sở Công thương phê duyệt đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có trên 100 lao động, UBND quận, huyện phê duyệt đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp dưới 100 lao động và các hộ kinh doanh cá thể,...)

Giai đoạn này ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề, lĩnh vực thiết yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu, các loại hình kinh doanh, dịch vụ sản xuất và đời sống. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ bản thì cho phép mở lại hoạt động 100% nếu có yêu cầu và đáp ứng đầy đủ tiêu chí phòng, chống dịch.

Mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong 2 tuần trở lên và 1 mũi vaccine trong 4 tuần trở lên.

Khi tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố ngày càng tốt hơn, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể mở rộng thêm trong giai đoạn 2 (trừ các ngành nghề, lĩnh vực: vui chơi giải trí, trò chơi điện tử, quán bar, vũ trường,...và những lĩnh vực chưa thiết yếu).

Trong giai đoạn 3, thành phố sẽ cho phép tất cả các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trở lại khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, số ca lây nhiễm trong cộng đồng rất ít mỗi ngày, liên tục từ 14 ngày trở lên chỉ ghi nhận từ 1 - 2 ca mắc COVID-19.

Trong phương án tổ chức sản xuất, UBND thành phố Cần Thơ cũng đưa ra các biện pháp an toàn tại nơi ở của người lao động; trong quá trình người lao động di chuyển; an toàn tại nơi làm việc (nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

Theo đó, tại nơi ở sau khi trở lại làm việc, người lao động phải tuân thủ quy định giãn cách. Trong quá trình di chuyển bằng phương tiện cá nhân, người lao động phải tuân thủ 5K và cam kết chỉ di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.

Nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hệ thống vận tải cho phép, có thể bố trí xe đưa đón công nhân theo cụm, tuyến và mỗi xe chở 1/2 số ghế, đảm bảo giữ khoảng cách giữa mỗi người. Xe đưa đón phải được xịt khử khuẩn sau mỗi lượt trả khách, lái xe phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và phải có xét nghiệm PCR với kết quả âm tính mỗi lần/tuần.

Cần Thơ thực hiện phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 18/9 - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp ưu tiên việc làm trở lại trước cho người lao động ở vùng xanh hoặc không bị phong tỏa... (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể tổ chức điểm mua bán hàng hóa, chợ tạm giúp người lao động mua lương thực, thực phẩm về dùng trong gia đình, hạn chế đi chợ và siêu thị.

Tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; cam kết với người lao động và chính quyền địa phương về cách thức hoạt động, quyền lợi của người lao động khi tham gia hoạt động trở lại; có kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện phòng, chống dịch và công bố kết quả với người lao động; đánh giá thực hiện phòng, chống dịch định kỳ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; xét nghiệm âm tính cho người lao động trước khi trở lại làm việc; bố trí vùng đệm an toàn cho các bộ phận cần tiếp xúc với nhau; chuẩn bị khu cách ly tạm thời cho F0, F1; sắp xếp thời gian và phân luồng hợp lý thời gian người lao động đến và rời nơi làm việc, giảm mật độ tập trung;...

UBND thành phố giao các xã, phường, thị trấn đảm bảo giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các sở, ngành, Ban Quản lý khu Chế xuất và Công nghiệp và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các doanh nghiệp.

Tính đến chiều 16/8, còn 970 doanh nghiệp trong tổng sống 1.090 doanh nghiệp trên toàn thành phố Cần Thơ tạm dừng hoạt động. Tổng số lao động nghỉ việc là 65.532 người trong tổng số 70.034 lao động làm việc ở các doanh nghiệp.

So với giữa tháng 8, số doanh nghiệp, người lao động ở Cần Thơ trở lại hoạt động, sản xuất tăng dần, từ 60 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" lên 120 doanh nghiệp.

Cụ thể, có thêm 4 doanh nghiệp trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp trở lại hoạt động, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong các khu lên 24 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 14,12% tổng số doanh nghiệp trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp), với số lao động đang làm việc là 3.459 người (chiếm tỷ lệ 8,54% số lao động làm việc trong các Khu Chế xuất và Công nghiệp).

Đối với doanh nghiệp ngoài các Khu Chế xuất và Công nghiệp đã có thêm 56 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ngoài Khu Chế xuất và Công nghiệp lên 96 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 10,43% trong tổng số doanh nghiệp ngoài các Khu Chế xuất và Công nghiệp), với tổng số lao động đang làm việc là 4.043 người (chiếm tỷ lệ 13,7% lao động ngoài Khu Chế và Công nghiệp).

Cần Thơ hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Cần Thơ hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch

VTV.vn - Tại Cần Thơ, lao động tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Quyết định được thành phố đưa ra cách đây 2 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước