Cần tính toán kỹ lưỡng khi chọn phương án đầu tư sân bay Long Thành

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 14/08/2019 07:00 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, việc lựa chọn phương án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Mới đây, Bộ GTVT vừa hoàn thành việc xây dựng báo cáo khả thi và trình lên Chính phủ 3 phương án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phương án 1: Sử dụng vốn vay ODA do ngân sách cấp phát hoặc cho vay lại.

Phương án 2: Giao cho Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam ACV làm nhà đầu tư, không sử dụng vốn vay ODA mà đầu tư trực tiếp bằng vốn của doanh nghiệp. Phương án này cũng đưa ra 2 sự lựa chọn: Một là sẽ chỉ có ACV thực hiện; hai là sẽ thành lập một doanh nghiệp mới với tỷ lệ vốn chi phối của ACV, kết hợp với các doanh nghiệp khác.

Phương án 3: Đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT.

Sau khi được xem xét phê duyệt, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là các phương án đầu tư đã được đưa ra.

Tổng mức đầu tư cho sân bay Long Thành là 16,03 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 là hơn 4,8 tỷ đô. Trong 3 phương án trên, có 2 phương án hoặc là vay ODA, hoặc là đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư có điểm chung là nguồn vốn sẽ từ nước ngoài đổ về. Điều này đồng nghĩa với việc trong quá trình xây dựng dự án và sau khi đưa vào khai thác đều chịu sự chi phối và kiểm soát của các đơn vị nước ngoài.

Với mức đầu tư hơn 4,8 tỷ USD, nếu lựa chọn phương án 1 là vay ODA, nhiều ý kiến cho rằng sẽ gây áp lực lên nợ công. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lại cho rằng không quá đáng lo. Bởi trong 3 năm qua, nợ công đã được Chính phủ kéo giảm từ 64% xuống còn 58,9%, như vậy vẫn còn dư địa cho việc đi vay. Nhưng vốn ODA luôn đi kèm những điều kiện ràng buộc trong các hiệp định vay như: phải sử dụng nhà thầu, công nghệ của nước cho vay, lợi suất đầu tư có thể tăng cao. Vốn tưởng rẻ nhưng thực ra lại đắt.

Còn với phương án đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư, ông Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) cho rằng, mặc dù đảm bảo tính bình đẳng nhưng sẽ khó tránh khỏi việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế bỏ giá thấp để được vào thực hiện dự án. DN trong nước khó có cơ hội lớn lên để có kinh nghiệm tham gia vào các dự án sau này.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, phương án nào cũng sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Nhưng với dự án xây dựng sân bay liên quan đến an ninh quốc phòng, việc lựa chọn cách thức thực hiện, từ đó quyết định nguồn vốn đầu tư cần phải được tính toán kỹ lưỡng về các quy định pháp lý, tính an toàn, hiệu quả trong cả quá trình xây dựng và khai thác về sau.

Khác với 2 phương án các chuyên gia phân tích ở trên, phương án còn lại là giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện, tức là sử dụng năng lực của doanh nghiệp. Đây là đơn vị đã đầu tư và đang quản lý 21 sân bay trên cả nước. Vốn nhà nước tại doanh nghiệp này đang chiếm tới hơn 95%.

Trong 4,8 tỷ USD xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, ACV sẵn có khoảng 1,6 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng mức đầu tư. Số còn lại theo lãnh đạo doanh nghiệp này, phương án sẽ là đi vay.

Đảm bảo tiến độ báo cáo nghiên cứu khả thi xây sân bay Long Thành Đảm bảo tiến độ báo cáo nghiên cứu khả thi xây sân bay Long Thành

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về tiến độ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước