Cẩn trọng mua sắm trực tuyến

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/03/2024 20:56 GMT+7

VTV.vn - Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến.

Ngồi nhà, ngồi ở cơ quan, hay ngồi ở quán cà phê, người tiêu dùng có thể đặt mua bất kì sản phẩm từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ điện tử... Việc mua hàng trực tuyến giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, thuận tiện trong thanh toán.

Giờ đây mua sắm trực tuyến không còn là xu hướng mà đã thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là tình trạng các gian thương trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gây mất niềm tin cho người dân khi tham gia mua sắm.

Nền tảng mua sắm trực tuyến và các kênh mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích để trợ giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp đến khách hàng của mình. Tuy nhiên, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lại là một trong những lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi số lượng đơn hàng được mua càng nhiều thì việc mua phải hàng giả hàng kém chất lượng cũng không phải là ít.

Cẩn trọng mua sắm trực tuyến - Ảnh 1.

Lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh mới đây đã phát hiện, tịch thu một lô gần 800 sản phẩm hàng mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đại diện nhãn hàng cho biết, có khoảng 150 trường hợp khiếu nại mỗi năm liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến. Việc lợi dụng không gian mạng để bán hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Mai Horiuchi - Công ty TNHH Chăm sóc sức khỏe Daiichi Sankyo, Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi đã phải rất nỗ lực trong việc nghiên cứu phát triển ra những sản phẩm cho người tiêu dùng. Việc xuất hiện hàng giả ảnh hưởng rất lớn đến công sức của doanh nghiệp. Dược mỹ phẩm là hàng giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng".

Hiện trên hệ thống quản lý của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số ghi nhận khoảng 900 sàn giao dịch thương mại điện tử và khoảng 48.000 website hoặc ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trực tiếp. Nhiều sàn thương mại điện tử tuy có kiểm soát nguồn gốc đầu vào, nhưng vẫn để lọt lưới cho hàng giả, kém chất lượng tuồn ra thị trường. Chính vì thế, việc kiểm soát hình thức kinh doanh này cần phải được tăng cường và người tiêu dùng cần đặc biệt chú ý kiểm tra tính hợp pháp của những gian hàng mình tham gia mua sắm.

Bảo vệ người mua hàng trên mạng

Việc không may mua mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua sắm trực tuyến đã giúp người tiêu dùng Việt thay đổi nhận thức một cách tích cực, mạnh dạn thể hiện quyền của người tiêu dùng. Nếu trước đây, số lượng khách hàng phản hồi về sản phẩm rất ít, thậm chí là hãn hữu thì nay các nền tảng, các sàn thương mại điện tử đều ghi nhận sự tăng vọt về phản hồi, khiếu nại của các khách hàng trực tuyến.

Khó có thể thống kê hết lượng người tiêu dùng bị lừa từ người bán hàng online bởi việc đổi trả hàng hay phản ánh của nạn nhân chỉ có thể thông qua sàn giao dịch. Chính vì thế, người tiêu dùng đã trở nên cẩn trọng hơn để tự bảo vệ mình khi tham gia loại hình mua sắm này.

Theo kết quả khảo sát của TikTok Việt Nam, 60% người được khảo sát nói rằng họ không có ý định mua hàng khi nhìn thấy nội dung thương hiệu xuất hiện, 34% người dùng từ chối mua hàng vì hoài nghi các nội dung mà có thương hiệu, nghĩa là có nội dung quảng cáo ở trong. 

Cẩn trọng mua sắm trực tuyến - Ảnh 2.

Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện từ vẫn duy trì ít nhất là 25%, doanh thu có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mua sắm online theo quy định đã thực hiện các giải pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trên môi trường mua sắm online.

Xác định việc ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ hàng đầu trong vòng 3 - 5 năm tới, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nhiều kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook… cũng đã bị triệt phá kịp thời.

"Trong năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nghị định về xử phạt trong lĩnh vực thương mại điện tử để đảm bảo tính răn đe", ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.

Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử vẫn duy trì ít nhất là 25%, doanh thu có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng trong năm nay. Vì vây, việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát và người tiêu dùng tăng cường kỹ năng tự bảo vệ trên môi trường thương mại điện tử sẽ góp phần quan trọng giúp thị trường này đạt được sự tăng trưởng bền vững như kỳ vọng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước