Căng thẳng leo thang ở Ukraine đe dọa chuỗi cung ứng

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 25/02/2022 11:13 GMT+7

VTV.vn - Nếu cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến xấu sẽ khiến chuỗi cung ứng gánh hậu quả nặng nề.

Theo các nhà phân tích, năng lượng không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng trước căng thẳng Nga - Ukraine. Nga, Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về kim loại và nhiều loại lương thực, từ lúa mì cho tới đồng, niken. Chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến xấu.

Hiện Nga và Ukraine đang chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì, 19% nguồn cung ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Do vậy, khi căng thẳng leo thang, giá các sản phẩm lương thực này sẽ tăng nhanh.

Căng thẳng leo thang ở Ukraine đe dọa chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Nga là nước sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. (Ảnh: Adobe stock)

Ukraine là quốc gia sản xuất lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen mà phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc. Đây cũng là nước sản xuất ngô hàng đầu khu vực.

Thực tế, không chỉ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) mới bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia tại Trung Đông và châu Phi cũng phụ thuộc vào lúa mì và ngô từ Ukraine.

“Gián đoạn chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực tại các khu vực này”, Dawn Tiura, Chủ tịch Hiệp hội về Nguồn cung ứng Toàn cầu (SIG), đánh giá.

Theo Dawn Tiura, Trung Quốc cũng là một nước nhập khẩu lớn mặt hàng ngô của Ukraine. Trên thực tế, Ukraine đã thay thế Mỹ là nước cung cấp ngô hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, giá hợp đồng tương lai lúa mì trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng khoảng 12%, trong khi giá hợp đồng tương lai ngô tăng 14,5%.

Trong phiên đêm qua (24/2), giá lúa mì, ngô và đậu nành trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng từ 1,5 - 6% giá trị. Các chuyên gia của ngân hàng Rabobank có trụ sở tại Hà Lan dự báo, giá lúa mì và ngô có thể tăng 20 - 30% thời gian tới.

Còn trên thị trường kim loại, Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới cả về niken và nhôm. Giá nhôm tại sàn giao dịch kim loại London đêm qua có thời điểm giao dịch ở mức kỷ lục 3.449 USD/tấn. Nickel có lúc chạm ngưỡng 25.610 USD/tấn, mức cao nhất hơn 1 thập kỷ.

Dự báo, sự thiếu hụt và tăng giá mạnh của các kim loại này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, bao bì, ô tô và pin xe điện.

Trong khi đó, lạm phát đang bắt đầu tăng cao sau khi chính phủ các nước tung ra một loạt chương trình kích thích kinh tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 hai năm qua. Các nhà phân tích nhận định, giá cả thực phẩm có thể tiếp tục tăng cao khi xung đột vũ trang nổ ra.

Ngoài ra, sự gián đoạn nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng như phân bón. Điều này càng tác động hơn tới lĩnh vực nông nghiệp khi nguồn cung phân bón đã thiếu hụt trong năm ngoái và đẩy giá tăng cao, ông Alan Holland - người sáng lập, CEO của Keelvar, một công ty về giải pháp công nghệ tìm nguồn cung ứng, nhận định.

Leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhiều khả năng sẽ buộc khách hàng mua lúa mì, ngô và dầu hướng dương phải chuyển sang tìm kiếm các đối tác khác hoặc mặt hàng thay thế.

Chia sẻ với Reuters, chuyên gia kinh tế Phin Ziebell, thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia, cho biết: “Đứt gãy nguồn cung từ khu vực Biển Đen sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng toàn cầu nói chung. Khách hàng tại Trung Đông, châu Phi sẽ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế”. Trong năm 2021, khoảng 70% lúa mì xuất khẩu của Nga sang hai khu vực này.

Giới giao dịch cho biết, một số khách hàng đã điều hướng tàu sang các nước cung ứng khác do lo ngại xung đột có thể kéo dài thời gian chất hàng lên tàu. Tàu chở hàng hiện cũng tránh đi vào khu vực Biển Đen do lo ngại nguy cơ chiến sự và trên thực tế đã xuất hiện rạn nứt về nguồn cung.

Bitcoin lao dốc do căng thẳng Nga - Ukraine Bitcoin lao dốc do căng thẳng Nga - Ukraine

VTV.vn - Giá của đồng Bitcoin đã giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 2 tuần qua sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước