Căng thẳng Nga - Ukraine: Thách thức mới cho nguồn cung năng lượng

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/03/2022 12:27 GMT+7

VTV.vn - Căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu và mặt bằng giá năng lượng lên những mốc cao nhất trong hơn một thập niên. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với thị trường năng lượng?

Cả thế giới đang theo dõi sát sao biến động của giá dầu. Kể từ khi nổ ra chiến sự ở Ukraine vào ngày 24/2, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn đã tăng từ mốc 94,12 USD/thùng lên 119,66 USD/thùng, tăng hơn 27% chỉ trong hơn 1 tuần.

Giá dầu WTI của Mỹ cũng biến động dữ dội không kém, tăng 26,2% từ mức 91,59 USD/thùng lên 115,62 USD/thùng.

Bloomberg trích dẫn quan điểm của các nhà phân tích cho rằng, giá dầu thậm chí có thể chạm mốc 150 USD/thùng ngay trong năm nay.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Thách thức mới cho nguồn cung năng lượng - Ảnh 1.

Giá dầu có thể chạm mốc 150 USD/thùng ngay trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Giá dầu chưa bao giờ cao như hiện nay kể từ năm 2008, đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng.

Có thể nói trong thời gian tới, giá năng lượng diễn biến như thế nào phụ thuộc lớn vào tình hình chiến sự ở Ukraine cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, một trong những nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt lớn nhất trên thế giới.

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng năng lượng của Nga

Các lệnh trừng phạt được đưa ra vào thời điểm này chưa đánh trực tiếp đến xuất khẩu năng lượng của Nga, nhưng lúc này đang làm suy yếu nhu cầu về dầu và khí đốt.

Theo các chuyên gia năng lượng, có đến 70% lượng dầu của Nga phải đối mặt với vấn đề tìm người mua, ngay cả khi Nga đang bán dầu thô với mức chiết khấu lên đến 18 USD/thùng.

Nguyên nhân chính khiến nhu cầu dầu Nga giảm là do khó khăn trong giao dịch ngân hàng, khi hệ thống thanh toán SWIFT bị vô hiệu hóa tại hầu hết các ngân hàng lớn của Nga.

Chi phí vận chuyển cũng đội giá khi các công ty vận hành tàu chở dầu và dịch vụ bảo hiểm phải né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây hoặc đối mặt với khả năng Nga bị áp thêm biện pháp trừng phạt trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu năng lượng của Nga không bị trừng phạt, nhưng khách hàng đều đang ngần ngại vì phải phòng ngừa rủi ro cho chính mình.

Khó khăn trong việc thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga

Trong ngắn hạn, rất khó có thể tìm được nguồn cung thay thế Nga, bởi Nga đang là nhà cung cấp hàng đầu trong cả 2 mặt hàng chính trên thị trường năng lượng là dầu thô và khí đốt.

Theo báo Bưu điện Washington, Nga hiện xuất khẩu mỗi ngày khoảng 8 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu. Khoảng 2 - 5 triệu thùng trong số này đang đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn, nếu khủng hoảng kéo dài. Nguy cơ tương tự cũng xảy ra với khí đốt, khi châu Âu - nhà nhập khẩu hàng đầu từ Nga được dự báo có thể thiếu hụt tới 40 triệu tấn khí đốt, tương đương 10% mức tiêu thụ. Điều này đã buộc nhiều quốc gia phải vội vã tìm kiếm nguồn cung thay thế.

"Chúng tôi cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, có thể là từ Mỹ, Qatar hay các nước khác. Pháp hiện đang nhập 20% nhiên liệu từ Nga, với châu Âu con số này là 40%, còn Đức là 60%", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết.

Tuy nhiên, việc thay thế sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga sẽ là không đơn giản. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù hoạt động khai thác dầu và khí đá phiến của Mỹ đã mở rộng trở lại, sẽ phải mất nhiều thời gian để nguồn cung này chiếm lĩnh được thị trường châu Âu.

"Khí đá phiến có cấu trúc chi phí riêng. Việc sản xuất chỉ có thể thực hiện nếu giá trên thị trường vượt ngưỡng nhất định. Điều kiện này đã xuất hiện, nhưng sẽ phải mất thời gian để các công ty tăng cường sản xuất và xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu", ông Qian Jun, Trường Tài chính Quốc tế Fanhai, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, đánh giá.

"Chúng ta vẫn phải đối mặt với thực tế là khí đốt, dầu của Mỹ nhìn chung có giá thành cao hơn và chất lượng thấp hơn so với của Nga. Với mức độ xung đột hiện nay, mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn tới dầu khí đá phiến của Mỹ và sẵn sàng chấp nhận mức giá cao. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá cả sẽ là vấn đề lớn", bà Wang Dan, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Hang Seng, Trung Quốc, nhận định.

Một nguồn cung tiềm năng khác được nhiều người kỳ vọng là OPEC+. Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 2/3, OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch khai thác, chỉ tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 4, ngay cả khi giá dầu tăng kỷ lục.

"Hiện giờ các nhà sản xuất dường như không có mong muốn giảm áp lực cho thị trường, bởi họ đang hưởng lợi từ mức giá cao sau nhiều năm giá nhiên liệu ở mức thấp", ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường, công ty Oanda, nói.

Ngay cả với những nhà sản xuất nhiên liệu có thiện chí giúp đỡ châu Âu như Na Uy hay Qatar, sự hỗ trợ cũng là không nhiều

"Qatar đang khai thác hết công suất và không thể đào đâu ra vài triệu tấn khí đốt để vận chuyển tới châu Âu, mà chỉ có thể tìm cách chuyển nguồn cung từ các thị trường khác sang. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt của Qatar đang cung cấp cho châu Á, nơi áp lực cũng rất lớn", ông Jamie Ingram, Biên tập viên cấp cao Tạp chí Middle East Economic Survey, cho hay.

Các chuyên gia nhận định, sự không sẵn sàng tăng sản lượng của các nước OPEC+ cùng với sự hạn chế về công suất của nhiều nhà sản xuất khác, sau nhiều năm thiếu đầu tư vào ngành dầu khí, sẽ khiến những nỗ lực thay thế nguồn cung nhiên liệu từ Nga gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Rõ ràng, không dễ để thay thế được vai trò của nước Nga trong lĩnh vực năng lượng. Trong tình thế khó khăn, mọi giải pháp đều phải được tính đến, kể cả các giải pháp trước đây từng bị bác bỏ.

EU đẩy mạnh đầu tư vào điện hạt nhân

Ngày 2/3 vừa qua, EU đã chính thức công nhận năng lượng hạt nhân là bền vững và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này bất chấp sự phản đối của Đức. Như vậy, EU đã mở cửa cho dòng vốn chảy vào lĩnh vực điện hạt nhân vào thời điểm khối này vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Điện hạt nhân được xem là giải pháp mang tính khả thi nhất trong ngắn hạn và trung hạn để giải quyết bài toán năng lượng.

Triển vọng từ cuộc đàm phán hạt nhân Iran

Một tín hiệu tích cực khác đến từ cuộc đàm phán hạt nhân Iran. Theo các bên liên quan, cuộc đàm phán đang tiến triển thuận lợi và đã đi đến các mốc cuối cùng. Nếu các bên đạt được sự nhất trí thì các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ sớm được dỡ bỏ và nước này có thể quay trở lại thị trường năng lượng toàn cầu.

Iran là nước có trữ lượng khí đốt đứng thứ 2, dầu thô đứng thứ 4 thế giới, nhưng hiện không xuất khẩu được sang châu Âu và Mỹ do đang chịu cấm vận. Nếu các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran có thể khôi phục bổ sung quan trọng cho thị trường năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, trước mắt việc Nga có duy trì được xuất khẩu năng lượng hay không vẫn là câu hỏi rất quan trọng.

Nga có giải pháp gì để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu năng lượng?

Châu Âu vẫn là thị trường chính của năng lượng Nga. Tuy nhiên trong bối cảnh này, trước các biện pháp trừng phạt nặng nề từ Mỹ và Phương Tây, bao gồm cả việc cấm tham gia SWIFT, người ta nhìn thấy sự dịch chuyển của các dòng năng lượng Nga về phía Đông.

Mới đây, Nga đã công bố thỏa thuận dầu và khí đốt mới với Trung Quốc trị giá hơn 117 tỷ USD trong vòng 30 năm. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy nguồn cung khí đốt thêm 10 tỷ m3 và sẽ được thanh toán bằng đồng Euro.

Trong trường hợp này, Moscow có thể lựa chọn tham gia Hệ thống thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) - một phiên bản SWIFT của Trung Quốc - ít nhất là trong hoạt động thương mại năng lượng.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Thách thức mới cho nguồn cung năng lượng - Ảnh 2.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Ảnh: (RIA)

Trong khi số phận Dòng chảy phương Bắc 2 đến châu Âu còn đang bị bỏ ngỏ, Nga sẽ tập trung vào đường ống Sức mạnh Siberia-2 để đưa nhiên liệu đến Mông Cổ và Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga hiện có kế hoạch tham gia xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan - một dự án được cho là sẽ làm tăng nhu cầu về khí đốt ở quốc gia Nam Á.

Có thể thấy chính phủ Nga đang hết sức nỗ lực để duy trì hoạt động xuất khẩu năng lượng, cùng với hàng loạt các biện pháp tìm kiếm các giải pháp bổ sung từ lĩnh vực điện hạt nhân của EU hay nguồn cung từ Iran, chúng ta có thể kỳ vọng vào một sự bình ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Biến động trên thị trường chứng khoán

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, thị trường chứng khoán, nơi được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, cũng không khỏi có những xáo trộn theo. Sức nóng trên thị trường hàng hóa thế giới cũng lan sang các cổ phiếu hàng hóa.

Nhìn vào nhóm cổ phiếu dầu khí 1 tháng qua, trong khi VN-Index gần như đi ngang, PLX tăng gần 10%, CNG, PVS, PVB tăng trên dưới 30%. PVC còn tăng tới 86%.

Nhóm hàng hóa khác cũng có những đại diện tăng rất bùng nổ như DPM phân đạm tăng 1,5 lần, NKG thép tăng 55,3%, hay thị trường còn đùa rằng than đen bây giờ phải gọi là than tím. TDN 1 tháng qua tăng hơn 40%.

Đầu tư cổ phiếu hàng hóa thời gian qua đã trở thành một xu hướng. Nếu ai lỡ chuyến tàu thì không ít có phần ngậm ngùi, còn ai đã kịp lên tàu thì cũng đã có những thành quả không nhỏ, bằng vài lần gửi lãi suất ngân hàng 1 năm. Có người đã chốt lãi, có người vẫn nắm giữ, nhưng hầu hết đều vẫn kỳ vọng con sóng hàng hóa này chưa dừng lại.

Thị trường chứng khoán đang trải qua một giai đoạn đầu năm khá vất vả trước sự kiện thiên nga đen của Nga và Ukraine. Lúc này, yếu tố quản trị rủi ro nên được đặt lên cao. Nhiều chuyên gia cũng có quan điểm rằng trong giai đoạn này, nhà đầu tư không nên sử dụng margin (vay ký quỹ), có tiền dự trữ trước những biến động cũng là cho bản thân cơ hội đầu tư tốt hơn trong giai đoạn thị trường có nhiều yếu tố khó lường.

Xung đột Ukraine - Nga gia tăng áp lực lên ngành sản xuất ô tô thế giới Xung đột Ukraine - Nga gia tăng áp lực lên ngành sản xuất ô tô thế giới

VTV.vn - Áp lực với ngành sản xuất ô tô thế giới khi tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện chưa được cải thiện, nay còn tiếp tục trầm trọng hơn do xung đột Ukraine - Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước