"Canh bạc" mạo hiểm mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang buộc phải chơi

PV-Thứ sáu, ngày 14/06/2024 15:53 GMT+7

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn giữ im lặng sau khi mức thuế mới được công bố

VTV.vn - Quyết định đánh thuế xe điện Trung Quốc nhập khẩu của Ủy ban Châu Âu (EC) có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Quyết định đánh thuế xe điện Trung Quốc nhập khẩu của Ủy ban Châu Âu (EC) có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu, vì một cuộc chiến thương mại tiềm ẩn sẽ không chỉ gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến việc nhập khẩu xe do Trung Quốc sản xuất.

Các nhà sản xuất ô tô của Đức nói riêng có rất nhiều thứ để mất khi liên quan tới Trung Quốc và thông báo hôm 12/6 của EC khiến họ lo lắng về một quyết định mà Giám đốc điều hành hãng xe BMW, Oliver Zipse mô tả là "đi sai hướng".

Thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất được nâng lên 38,1% - tương đương với hàng tỷ euro - sẽ được áp dụng từ tháng 7, nhưng điều đó khó có thể ngăn cản các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu vì họ có thể chấp nhận khoản chi phí gia tăng và vẫn kiếm được lợi nhuận.

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vẫn giữ im lặng sau khi mức thuế mới được công bố, nhưng nhà sản xuất xe điện Nio cho biết họ phản đối quyết định này, dù cam kết của họ đối với thị trường xe điện châu Âu vẫn "không thể lay chuyển".

Ngoài ra, hai hãng xe BYD và Chery của Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại châu Âu, điều này sẽ tránh được mức thuế quan "khủng".

Ông Will Roberts, Giám đốc nghiên cứu ô tô tại Rho Motion, cho biết mặc dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể chấp nhận mức thuế quan mới, nhưng "bài kiểm tra thực sự từ thông báo của EC sẽ là liệu Chính phủ Trung Quốc có động thái trả đũa tương xứng hay không". Ông nói thêm: "Các nhà sản xuất của châu Âu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì vậy lợi nhuận giảm sút từ Trung Quốc sẽ chỉ làm chậm khả năng chuyển đổi hiệu quả" sang xe điện của châu Âu.

Đó đã trở thành một canh bạc mạo hiểm đối với các nhà sản xuất ô tô của Đức. Trung Quốc chiếm gần 32% doanh số bán hàng của BMW trong quý I/2024 và khoảng 30% doanh số bán hàng cùng kỳ của các đối thủ Volkswagen và Mercedes-Benz.

Cổ phiếu của VW giảm 1,2% vào phiên 12/6, nằm trong số những mã giảm mạnh nhất trên chỉ số chứng khoán blue-chip của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cổ phiếu BMW giảm 0,9%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023 và cổ phiếu của Mercedes giảm 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024.

Do đó, việc Trung Quốc trả đũa có thể gây tổn thương nặng nề hơn cho các công ty này và nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất của Đức, khiến Thủ tướng Olaf Scholz phải cảnh báo rằng: "Chủ nghĩa biệt lập và rào cản thuế quan bất hợp pháp cuối cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và mọi người nghèo hơn".

VW cho rằng những tác động tiêu cực của việc tăng thuế quan "lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu và đặc biệt là Đức".

Ngành công nghiệp ô tô của châu Âu cũng phụ thuộc vào các linh kiện của Trung Quốc, đặc biệt là đối với xe điện vì Trung Quốc thống trị phần lớn chuỗi cung ứng.

Giám đốc điều hành BMW, Zipse cảnh báo rằng việc gây ra một cuộc chiến thương mại có thể gây ra hậu quả khủng khiếp cho quá trình chuyển đổi sang xe điện vì không thể sản xuất ô tô ở châu Âu nếu không có hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước