Hình minh họa. Ảnh: Reuters.
Theo báo cáo của tổ chức phân tích tài chính Fitch Solutions, thị trường gạo toàn cầu có thể ghi nhận mức thiếu hụt lớn nhất trong 20 năm qua vào năm 2023. Tình trạng thiếu hụt một trong những loại ngũ cốc được trồng nhiều nhất thế giới này có thể ảnh hưởng tới các nhà nhập khẩu lớn.
Trên thực tế, từ Trung Quốc đến Mỹ đến Liên minh châu Âu, sản lượng gạo đều đang sụt giảm và đẩy giá mặt hàng này leo thang đối với hơn 3,5 tỷ người trên khắp toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực tiêu thụ tới 90% sản lượng gạo thế giới. Báo cáo của Fitch Solutions cho rằng tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 có thể là 8,7 triệu tấn - mức lớn nhất kể từ niên vụ 2003-2004. Do đó, giá gạo có thể duy trì quanh mức cao hiện nay cho đến năm 2024. Cụ thể, giá gạo trung bình từ nay cho đến hết năm 2023 sẽ là 17,3 USD/cwt (khoảng 50,8 kg) và sẽ chỉ giảm xuống 15,5 USD/cwt vào năm 2024.
Chuyên gia phân tích hàng hóa Charles Hart của Fitch Solutions nhấn mạnh tính trên phạm vi toàn cầu, tác động rõ nhất của tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu là giá gạo cao kỷ lục. Do gạo là mặt hàng lương thực chính ở nhiều thị trường ở châu Á, nên giá mặt hàng này là yếu tố chính quyết định lạm phát giá lương thực và an ninh lương thực, đặc biệt là đối với các hộ gia đình nghèo nhất.
Trong khi đó, ông Oscar Tjakra, nhà phân tích cao cấp tại ngân hàng lương thực và nông nghiệp toàn cầu Rabobank, cho rằng tình trạng thiếu hụt này sẽ đẩy chi phí nhập khẩu gạo tăng cao, ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn, trong đó có Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước châu Phi trong năm 2023.
Nhà phân tích cấp cao tại Gro Intelligence, bà Kelly Goughary cho rằng thiếu hụt gạo toàn cầu cùng với giá cả leo thang sẽ khiến nhiều quốc gia phải giảm dự trữ trong nước và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các nước đang phải chịu lạm phát giá lương thực trong nước cao như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và một số nước châu Phi.
Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nguồn cung gạo bị thiếu hụt, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine, thời tiết xấu tại các nước sản xuất gạo như Trung Quốc và Pakistan. Trong nửa cuối năm 2022, Trung Quốc - nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu mưa lớn và lũ lụt. Theo công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence, lượng mưa ở tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông - hai khu vực sản xuất lúa gạo lớn của Trung Quốc - cao thứ hai trong ít nhất 20 năm qua. Tương tự, Pakistan - quốc gia chiếm 7,6% lượng gạo thương mại toàn cầu, cũng chứng kiến sản lượng hằng năm sụt giảm tới 31% do lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 2022. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết tác động của thời tiết "lớn hơn nhiều so với dự báo ban đầu".
Trong khi đó, sản lượng gạo hằng năm ở các quốc gia khác, như Mỹ và EU, cũng góp phần khiến sản lượng gạo toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt. Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ hồi tháng 9 là một trong những yếu tố đẩy giá gạo tăng cao.
Tuy nhiên, Fitch Solutions dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ trở lại "trạng thái gần như cân bằng trong niên vụ 2023-24". Điều này có thể giúp giá gạo kỳ hạn hàng năm giảm xuống mức thấp của năm 2022, song vẫn cao hơn 30% so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát (từ năm 2014-2019).
Fitch Solutions cho rằng thị trường gạo sẽ sớm trở lại trạng thái dư thừa trong niên vụ 2024-2025 và nguồn cung tiếp tục nới lỏng trong trung hạn, qua đó đưa giá gạo giảm khoảng 10% xuống còn 15,5 USD/cwt trong năm 2024. Ấn Độ sẽ là "động lực chính" thúc đẩy sản lượng gạo toàn cầu trong hơn 5 năm tới. Dù vậy, sản xuất lúa gạo sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Mặc dù Cục Khí tượng Ấn Độ dự báo nước này sẽ có lượng mưa gió mùa "bình thường", song các dự báo về nắng nóng gay gắt và các đợt nắng nóng trong quý II và quý III/2023 tiếp tục là mối đe dọa đối với vụ thu hoạch lúa mì của Ấn Độ. Nhiều quốc gia khác cũng có thể chung cảnh ngộ này. Hiện các vùng trồng lúa của Trung Quốc cũng như nhiều nước ở châu Âu như Pháp, Đức, Anh vẫn đang hứng chịu hạn hạn nghiêm trọng nhất trong hơn 20 năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!