Cảnh báo tình trạng hàng giả bán trên thương mại điện tử

Minh Đức-Thứ hai, ngày 11/03/2019 17:40 GMT+7

VTV.vn - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết nhiều đối tượng tiếp cận thương mại điện tử để khuyến mãi, quảng cáo, bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến hết sức phức tạp. Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương đã có báo cáo gửi lên Chính phủ để đánh giá hiện trạng này. Theo đó, báo cáo nhấn mạnh tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT đã luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công thương để kịp thời triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Riêng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý gần 92.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng, ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, về tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm: Tập trung chủ yếu vào nhóm hàng như: hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh, thuốc lá điếu, pháo nổ... Đáng chú ý, phương thức vận chuyển hàng lậu, hàng cấm có thay đổi so với các năm trước, thay vì tập kết trên xe có tải trọng lớn, hiện nay các đối tượng xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ.

Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý.

Tổng cục QLTT cũng chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng nêu trên và những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng: tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách; nâng cao năng lực công tác cho công chức lực lượng QLTT; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước