Tết Nguyên Đán đến gần là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Điều này đồng nghĩa với tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi. Hiện tại, các địa phương đang phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Bánh kẹo, ô mai, khô gà khô bò... không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ - những mặt hàng thực phẩm đắt hàng dịp cuối năm liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ. Với những nơi có địa bản quản lý rộng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các cuộc kiểm tra chuyên ngành và liên ngành đều được tăng cường nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ thị trường dịp Tết.
Không ít các loại ô mai không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội - chia sẻ: "Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các kho hàng đang tập hợp hàng, chủ yếu là hàng quá hạn để đưa vào các gói quà hay hàng ko rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu. Dịp cuối năm sẽ nhiều hơn cả".
Với những địa phương có đường biên giới, cửa khẩu đầu mối giao thương thì càng gần Tết, tình trạng buôn lậu ngày càng gia tăng. Giai đoạn này, các mặt hàng như pháo, thuốc lá và nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác đang được các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách đưa vào nội địa. Vì vậy, các địa phương đang dồn sức ngăn chặn từ đầu nguồn hàng nhập lậu.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Đồn Thuận, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị - cho biết: "Hiện nay, đơn vị dựng thêm một số lán phụ dọc tuyến biên giới trên sông Sê Pôn, nơi đơn vị phụ trách, quân số thường trực 24/24 để đấu tranh, ngăn chặn quyết liệt".
Ông Nguyễn Quốc Thơ - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang - cho rằng: "Thời điểm dịp lễ Tết, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, chúng tôi chỉ đạo các đội quản lý thị trường thống kê, giám sát địa bàn ở những nơi có khả năng xảy ra vi phạm hàng hóa nhập lậu. Các đội cũng chủ động nắm tình hình để không bị động và không để xảy ra điểm nóng kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa".
Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cũng giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho người dân
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết: "Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường ở các địa phương nắm bắt tình hình, diễn biến trên thị trường tại địa phương, phát hiện và xử lý kịp thời các tụ điểm, tàng trữ kinh doanh, buôn bán các sản phẩm hàng hóa vi phạm, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn đường dây, ổ nhóm lớn để đảm bảo cho người dân có một cái Tết an lành".
Không chỉ tăng cường quản lý thị trường giao thương truyền thống, thời gian tới, lực lượng chức năng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!