Dự án có tổng chiều dài hơn 200km bắt đầu tại nút Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại chân đèo Prenn, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng được huy động từ 2 hình thức BOT và nguồn vốn từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (bao gồm cả chi phí giải tỏa mặt bằng) cho địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.
Dự án có tổng chiều dài hơn 200km, được Bộ GTVT bàn bạc và thống nhất triển khai thành 3 giai đoạn đầu tư và xây dựng: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Giai đoạn 1 là đoạn Dầu Giây - Tân Phú chiều dài khoảng 60km đi qua địa bàn của 4 huyện với tổng diện tích sử dụng đất 460ha bao gồm: huyện Thống Nhất (64 ha), huyện Xuân Lộc (16 ha), huyện Ðịnh Quán (160 ha) và nhiều nhất là huyện Tân Phú (220 ha). Nguồn vốn giai đoạn này gần 7.000 tỷ đồng theo hình thức lựa chọn BOT.
Theo Ban Quản Lý dự án Thăng Long (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải), tuyến Dầu Giây - Tân Phú sẽ được ưu tiên khởi công năm 2019 và đưa vào sử dụng trước năm 2021 bởi đây là tuyến đường thiết yếu kết nối giao thông 3 khu vực bao gồm: Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện tiếp nối từ Tân Phú - Bảo Lộc với chiều dài 66km dự án đi qua 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, với tổng kinh phí xây dựng lên đến 17.000 tỷ đồng theo hình thức vay vốn từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo chỉ đạo từ Bộ Giao thông vận tải.
Giai đoạn 3, là đoạn cuối cùng của chuỗi cao tốc, được bắt đầu từ thành phố Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài 73km với tổng tiền đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ là từ tiền hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Theo đơn vị tư vấn và thiết kế dự án, công việc giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan cần phải được triển khai song song và nhanh chóng mới đảm bảo được tiến độ cho dự án. Đơn vị này cũng cam kết sẽ nhanh chóng chuyển thông tin hướng tuyến của dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng cho 2 tỉnh cũng như 4 địa phương của giai đoạn 1 gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất, từ đó có thể lên phương án giải phóng mặt bằng sớm nhất.
Đường cao tốc Đồng Nai - Lâm Đồng là dự án giao thông nằm trong quy hoạch phát triển chung của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Sau khi đi vào hoạt động chính thức hệ thống cao tốc toàn tuyến sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên đến 100km/h.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thiện sẽ trở thành tuyến đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20, đồng thời kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (hệ thống cao tốc xuyên Việt). Dự kiến, thời gian di chuyển từ TP.HCM lên Bảo Lộc chỉ còn khoảng 2 giờ và từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc cũng chỉ mất 1 giờ đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay.
Tuyến cao tốc là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi dự án đi vào khai thác sẽ có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP.HCM, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!